Điều kiện, thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/11/2022 08:00 AM

Theo quy định hiện nay, công dân muốn xin thôi quốc tịch Việt Nam cần phải làm gì? Thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam thực hiện ra sao? - Quốc Đoàn (Bắc Ninh)

Điều kiện, thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam

Điều kiện, thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Căn cứ để thôi quốc tịch Việt Nam

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

* Những trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam:

Khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

- Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;

- Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;

- Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

* Những trường hợp không được thôi quốc tịch Việt Nam:

- Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

- Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

(Căn cứ khoản 3, 4 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008)

2. Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam

Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 bao gồm:

- Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam;

- Bản khai lý lịch;

- Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008;

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

- Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;

- Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;

- Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Lưu ý: Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú ở trong nước thì không phải nộp các giấy tờ: Phiếu lý lịch tư pháp, Giấy xác nhận không nợ, giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

3. Thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam

Theo Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam thực hiện như sau:

- Người xin thôi quốc tịch Việt Nam nếu cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin thôi quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

- Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở trong nước thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương trong ba số liên tiếp và gửi đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên Trang thông tin điện tử của mình.

Thông báo trên Trang thông tin điện tử phải được lưu giữ trên đó trong thời gian ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày đăng thông báo. 

- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin thôi quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

4. Trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam được miễn thủ tục xác minh về nhân thân

Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của những người thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 không phải qua thủ tục xác minh về nhân thân, cụ thể:

- Người dưới 14 tuổi;

- Người sinh ra và định cư ở nước ngoài;

- Người đã định cư ở nước ngoài từ 10 năm trở lên;

- Người đã được xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,944

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]