Chủ tọa phiên tòa là ai? Nhiệm vụ quyền hạn của chủ tọa phiên tòa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/11/2022 15:00 PM

Xin hỏi là theo quy định hiện hành thì chủ tọa phiên tòa ai? - Quốc Dũng (TP.HCM)

Chủ tọa phiên tòa là ai? Nhiệm vụ quyền hạn của chủ tọa phiên tòa

Chủ tọa phiên tòa là ai? Nhiệm vụ quyền hạn của chủ tọa phiên tòa

1. Chủ tọa phiên tòa là ai?

Thẩm phán trong Hội đồng xét xử điều khiển và giữ kỷ luật phiên tòa.

Tùy vào việc xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm mà Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự quy định thành phần hội đồng xét xử phải có cả thẩm phán và hội thẩm hoặc chỉ có riêng thẩm phán, trường hợp hội đồng xét xử chỉ có một thẩm phán và hai hội thẩm thì thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, trường hợp có hai thẩm phán trở lên thì một thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa.

Có quyền điều khiển phiên tòa tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và giữ nghiêm kỷ luật phiên tòa, đối với những người vi phạm trật tự phiên tòa tùy từng trường hợp chủ tọa phiên tòa có thể cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa dân sự

Tại Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Lập hồ sơ vụ việc dân sự.

- Tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

- Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, quyết định tiếp tục đưa vụ việc dân sự ra giải quyết.

- Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

- Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật này.

- Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử, đưa việc dân sự ra giải quyết.

- Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp.

- Chủ tọa hoặc tham gia xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự.

- Đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt

động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật.

- Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hình sự

Tại Điều 45 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm phán chủ tọa phiên tòa có những nhiệm vụ, quyền hạn và những nhiệm vụ, quyền hạn:

- Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

- Tiến hành xét xử vụ án;

- Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

- Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;

- Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

- Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;

- Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra;

Thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;

- Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa;

Thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;

Yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

- Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Lưu ý: Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa hành chính

Tại Điều 38 Bộ luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán như sau:

Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xử lý đơn khởi kiện.

- Lập hồ sơ vụ án hành chính.

- Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật này.

- Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, quyết định tiếp tục đưa vụ án hành chính ra giải quyết.

- Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

- Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật này.

- Quyết định đưa vụ án hành chính ra xét xử.

- Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này.

- Chủ tọa hoặc tham gia Hội đồng xét xử vụ án hành chính; biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

- Xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét văn bản hành chính, hành vi hành chính đó theo quy định của pháp luật.

- Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định  Bộ luật Tố tụng hành chính 2015

- Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định Bộ luật Tố tụng hành chính 2015.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,413

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]