Các trường hợp cảnh báo giao dịch chứng khoán chưa niêm yết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/12/2022 18:30 PM

Hiện nay, chứng khoán chưa niêm yết bị cảnh báo giao dịch trong những trường hợp nào? - Thanh Hà (TP. HCM)

Các trường hợp cảnh báo giao dịch chứng khoán chưa niêm yết

Các trường hợp cảnh báo giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp cảnh báo giao dịch chứng khoán chưa niêm yết

Theo khoản 1 Điều 33 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu đăng ký giao dịch bị cảnh báo khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

(1) Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp; hoặc là tổ chức đăng ký giao dịch có báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 03 năm liên tiếp trở lên;

+ Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch là công ty mẹ của tổ chức khác thì ý kiến kiểm toán được xác định theo báo cáo tài chính năm hợp nhất. 

+ Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng, thì ý kiến kiểm toán được xác định theo báo cáo tài chính năm tổng hợp. 

+ Trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch là công ty mẹ của tổ chức khác, đồng thời là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì ý kiến kiểm toán được xác định theo báo cáo tài chính năm hợp nhất;

(2) Tổ chức đăng ký giao dịch chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Luật Doanh nghiệp.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện các trường hợp nêu trên, SGDCKHN ban hành Quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo. SGDCKHN hiển thị ký hiệu cảnh báo theo Phụ lục III ban hành kèm theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 34/QĐ-HĐTV và công bố thông tin về việc cảnh báo chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị cảnh báo, tổ chức đăng ký giao dịch phải có văn bản gửi SGDCKHN giải trình nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. SGDCKHN công bố thông tin về ý kiến giải trình và phương án khắc phục của tổ chức đăng ký giao dịch.

(Khoản 2, 3 Điều 33 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 34/QĐ-HĐTV)

2. Khi nào đưa chứng khoán chưa niêm yết ra khỏi diện cảnh báo giao dịch?

SGDCKHN đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo sau khi tổ chức đăng ký giao dịch đã báo cáo SGDCKHN và gửi kèm các tài liệu xác minh tổ chức này đã khắc phục theo các hướng dẫn sau:

- Cổ phiếu bị cảnh báo theo quy định tại (1) mục 1 được đưa ra khỏi diện cảnh báo căn cứ vào ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính năm gần nhất;

- Cổ phiếu bị cảnh báo theo quy định tại (2) mục 1 được đưa ra khỏi diện cảnh báo theo đề nghị của tổ chức đăng ký giao dịch kèm theo tài liệu chứng minh tổ chức đăng ký giao dịch đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức đăng ký giao dịch đã báo cáo về việc khắc phục nguyên nhân bị cảnh báo theo quy định nêu trên, SGDCKHN ban hành Quyết định về việc đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.

SGDCKHN gỡ bỏ ký hiệu cảnh báo và thực hiện công bố thông tin về việc đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo theo quy định của pháp luật chứng khoán.

(Khoản 4, 5 Điều 33 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 34/QĐ-HĐTV)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,562

Bài viết về

lĩnh vực Chứng khoán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]