Khu bảo tồn biển là gì? Quy chế quản lý khu bảo tồn biển

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
23/12/2022 08:04 AM

Khu bảo tồn biển là gì? Và quy chế quản lý khu bảo tồn biển hiện nay được quy định thế nào? - Kim Yến (Bình Thuận)

Khu bảo tồn biển là gì? Quy chế quản lý khu bảo tồn biển

Khu bảo tồn biển là gì? Quy chế quản lý khu bảo tồn biển

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khu bảo tồn biển là gì?

Theo khoản 6 Điều 3 Luật Thủy sản 2017 thì khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển.

2. Khu bảo tồn biển gồm những gì?

Theo Điều 15 Luật Thủy sản 2017 thì khu bảo tồn biển bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan. Việc phân cấp khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Trong đó, các tiêu chí xác lập khu bảo tồn biển như sau:

- Tiêu chí xác lập khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

- Tiêu chí xác lập vườn quốc gia bao gồm:

+ Có hệ sinh thái biển quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;

+ Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

+ Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;

+ Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.

- Tiêu chí xác lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh bao gồm:

+ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;

+ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản đặc hữu hoặc loài thủy sản bản địa có giá trị đặc biệt về khoa học, kinh tế; có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường.

3. Quy định về thành lập khu bảo tồn biển

Việc thành lập khu bảo tồn biển theo Điều 16 Luật Thủy sản 2017 như sau:

- Việc thành lập khu bảo tồn biển cấp quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án thành lập, nội dung quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

- Trách nhiệm trình dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp quốc gia như sau:

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn quản lý sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy chế quản lý khu bảo tồn biển; hằng năm gửi báo cáo về công tác quản lý bảo tồn biển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Quy chế quản lý khu bảo tồn biển

Quy chế quản lý khu bảo tồn biển theo Mục 3 Chương II Nghị định 26/2019/NĐ-CP như sau:

4.1. Quản lý hoạt động trong khu bảo tồn biển và vùng đệm

- Hoạt động được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:

+ Thả phao đánh dấu ranh giới vùng biển;

+ Điều tra, nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển;

+ Tuyên truyền, giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Hoạt động được thực hiện trong phân khu phục hồi sinh thái bao gồm:

+ Hoạt động được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt;

+ Phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển;

+ Hoạt động du lịch sinh thái nhưng không gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển;

+ Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác được đi qua không gây hại.

- Hoạt động được thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính bao gồm:

+ Hoạt động được thực hiện trong phân khu phục hồi sinh thái;

+ Nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản;

+ Tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái;

+ Xây dựng công trình hạ tầng phục vụ hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển; công trình phục vụ du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.

- Hoạt động được thực hiện trong vùng đệm bao gồm:

+ Hoạt động được thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính;

+ Xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Các hoạt động trong khu bảo tồn biển được quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định 26/2019/NĐ-CP phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và Quy chế quản lý khu bảo tồn biển.

4.2. Quyền và trách nhiệm của Ban quản lý khu bảo tồn biển

- Ban quản lý khu bảo tồn biển có quyền sau đây:

+ Thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo tồn biển trong phạm vi quản lý;

+ Hợp tác đào tạo, tuyên truyền, giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển;

+ Thu phí, lệ phí theo quy định đối với hoạt động trong khu bảo tồn biển;

+ Phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái tự nhiên trên biển trong khu bảo tồn;

+ Công chức, viên chức của Ban quản lý khu bảo tồn biển khi đang thi hành công vụ trong khu bảo tồn biển được lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, chuyển người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

+ Kinh doanh, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái tự nhiên trên biển và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật;

+ Có ý kiến đối với hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo và dự án liên quan đến khu bảo tồn biển được giao quản lý; 

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm dừng hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo và dự án của tổ chức, cá nhân trong trường hợp không thực hiện đúng mục đích, nội dung, kế hoạch hoặc có hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn biển.

- Ban quản lý khu bảo tồn biển có trách nhiệm sau đây:

+ Quản lý, bảo vệ khu bảo tồn biển theo Quy chế quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan;

+ Xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển định kỳ hằng năm, 05 năm, 10 năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, phòng, trừ dịch bệnh; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong khu bảo tồn biển;

+ Tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phục hồi và phát triển các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn biển; cứu hộ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, chất lượng môi trường nước;

+ Giám sát hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo và dự án thực hiện trong khu bảo tồn biển;

+ Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển;

+ Tổ chức, phối hợp với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Cảnh sát môi trường, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí lực lượng Kiểm ngư thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong khu bảo tồn biển;

+ Phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan hỗ trợ triển khai hoạt động sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển;

+ Ban hành hướng dẫn, quy định đối với phương tiện và hoạt động trong khu bảo tồn biển;

+ Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh diện tích của khu bảo tồn biển; diện tích, vị trí các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển và vùng đệm;

+ Lắp đặt, thả phao đánh dấu ranh giới khu bảo tồn biển, ranh giới các phân khu chức năng và lắp đặt phao cho tàu du lịch buộc neo;

+ Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) về công tác quản lý khu bảo tồn biển định kỳ trước ngày 20/11 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

4.3. Quyền của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển

- Tham gia các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi, tái tạo động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn.

- Phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn biển triển khai hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái trong khu bảo tồn biển theo quy định, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan.

- Liên doanh, liên kết với Ban quản lý khu bảo tồn biển trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật.

- Nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản theo quy định của Nghị định 26/2019/NĐ-CP, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan.

4.4. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển

- Đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:

+ Gửi kế hoạch điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển tới Ban quản lý khu bảo tồn biển trước khi thực hiện 10 ngày;

+ Thực hiện điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật, Quy chế quản lý khu bảo tồn biển và hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển;

+ Thông báo cho Ban quản lý khu bảo tồn biển về kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; tài liệu công bố trong nước hoặc quốc tế (nếu có);

+ Chi trả chi phí dịch vụ cho Ban quản lý khu bảo tồn biển theo quy định, trừ hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học.

- Đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái liên quan đến khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:

+ Triển khai hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

+ Tuân thủ Quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển, giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển;

+ Bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; tham gia hoạt động làm sạch môi trường, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn;

+ Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cho khách du lịch;

+ Chi trả chi phí dịch vụ cho Ban quản lý khu bảo tồn biển theo quy định.

- Đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển có nghĩa vụ:

+ Chấp hành quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan;

+ Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển;

+ Tham gia hoạt động tái tạo, phục hồi các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn.

4.5. Nguồn tài chính của khu bảo tồn biển

- Ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.

- Nguồn thu dịch vụ do tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển chi trả theo quy định tại điểm d khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 13 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

- Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

- Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

4.6. Quản lý, sử dụng tài chính của khu bảo tồn biển

- Chi ngân sách nhà nước cho khu bảo tồn biển của nhà nước như sau:

+ Chi đầu tư phát triển bao gồm: 

++ Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng; 

++ Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý khu bảo tồn biển; 

++ Đầu tư khác liên quan đến khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật (nếu có). 

Việc quản lý, phân bổ chi đầu tư phát triển thực hiện các dự án phục vụ công tác quản lý khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công hiện hành;

+ Chi thường xuyên bao gồm: Hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển; các hoạt động thường xuyên khác liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển.

- Việc xây dựng dự toán, quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Nguồn thu dịch vụ của khu bảo tồn biển được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài được quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật về sử dụng nguồn tài trợ và quy định của pháp luật có liên quan.

- Nguồn tài chính khác được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,739

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]