Chế độ tiền lương của người huy động làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
27/12/2022 12:00 PM

Xin hỏi là đối với người huy động huấn luyện và làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự thì chế độ tiền lương được quy định thế nào? - Bình An (TP.HCM)

Chế độ tiền lương của người huy động làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Chế độ tiền lương của người huy động làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn tính tiền lương của người được huy động làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Căn cứ Điều 35 Nghị định 02/2019/NĐ-CP quy định về chế độ tiền lương, tiền công đối với người được huy động huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự như sau:

- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ như sau:

+ Đối với người được huy động huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự: Mức trợ cấp theo ngày được huy động thấp nhất bằng 0,04 lần mức lương cơ sở;

+ Đối với người được huy động làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự:

Mức trợ cấp theo ngày được huy động thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở. 

Trường hợp làm nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến chất phóng xạ, tác nhân sinh học, hóa chất độc hại thì mức trợ cấp thấp nhất bằng 0,15 lần mức lương cơ sở;

+ Nếu huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự vào ban đêm (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau) được tính gấp đôi mức trợ cấp theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 02/2019/NĐ-CP;

Làm nhiệm vụ ở nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại thì được bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của pháp luật;

+ Khi tập trung huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về theo quy định của Bộ Tài chính;

Được hỗ trợ tiền ăn theo mức do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam;

+ Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.

- Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe.

Khi làm việc trong môi trường độc hại hoặc nơi có phụ cấp khu vực thì được hưởng theo chế độ hiện hành.

Trường hợp người lao động hợp đồng trong thời gian tham gia huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định.

Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

- Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan huy động trả tiền lương và các chế độ khác theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 02/2019/NĐ-CP.

Ngân sách bảo đảm được các đơn vị, doanh nghiệp tính vào chi phí quản lý sản xuất, kinh doanh.

- Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, công an xã được huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

2. Mức lương của người được huy động làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự năm 2023

Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP)

Mức lương cơ sở từ 01/07/2023 là 1.800.000 đồng/tháng (theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023)

Căn cứ mức lương thấp nhất theo ngày tại Mục 1 và mức lương cơ sở thì lương của người làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự quy định như sau:

Người làm huy động huấn luyện, nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Hệ số lương

Mức lương đến 30/6/2023

(Đơn vị: VNĐ/ngày)

Mức lương từ 01/7/2023

(Đơn vị: VNĐ/ngày)

Người được huy động huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự

0,04

59.600

72.000

Người được huy động làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự

 

 

 

  • Nhiệm vụ thường

0,1

149.000

180.000

  • Nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến chất phóng xạ, tác nhân sinh học

0,15

233.500

270.000

3. Chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự bị ốm đau, tai nạn hoặc chết

Tại Điều 36 Nghị định 02/2019/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự bị ốm đau, tai nạn hoặc chết như sau:

- Người tham gia lực lượng phòng thủ dân sự (kể cả đối tượng là người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước), thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) nếu bị ốm đau, tai nạn hoặc chết trong thời gian tập trung huấn luyện, thì:

Được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động, tử tuất theo quy định của pháp luật về lao động, BHXH, BHYT và an toàn, vệ sinh lao động (thời gian tính từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú hoặc từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi bị tai nạn lao động hoặc chết).

Trường hợp vì lý do dùng chất kích thích hủy hoại sức khỏe hoặc sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật thì không được hưởng chế độ tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 02/2019/NĐ-CP

- Trách nhiệm của người chỉ huy trực tiếp và cơ quan, tổ chức ra quyết định huy động khi xảy ra tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự:

+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu tại chỗ đối với người bị tai nạn, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất;

+ Lập biên bản, ghi đầy đủ diễn biến vụ tai nạn, thương tích nạn nhân, mức độ thiệt hại, nguyên nhân xảy ra tai nạn, có chữ ký của người đại diện tập thể cán bộ, nhân viên cùng tham gia huấn luyện, làm nhiệm vụ.

Trường hợp bị tai nạn trên đường đi và về, thì biên bản phải có dấu, chữ ký của người đại diện chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn.

- Chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng phòng thủ dân sự không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bị ốm đau, tai nạn, hoặc chết được hưởng chế độ:

+ Bị ốm đau:

Trong thời gian huy động huấn luyện, làm nhiệm vụ thì được thanh toán tiền khám, chữa bệnh như quy định đối với người tham gia đóng BHXH;

Đến khi hết thời gian huy động làm nhiệm vụ mà điều trị bệnh chưa khỏi phải tiếp tục điều trị bệnh:

Nếu phải điều trị thêm 15 ngày thì được thanh toán 50% số tiền chi phí điều trị và 30% của 15 ngày kế tiếp, tổng thời gian được hưởng không quá 30 ngày.

+ Bị tai nạn:

Được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện;

Sau khi điều trị được cơ quan triệu tập lập hồ sơ giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa địa phương nơi cư trú để giám định mức suy giảm khả năng lao động;

Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì chuyển cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương giải quyết với mức trợ cấp bằng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

Người bị tai nạn bị mất một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng lao động, khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người khuyết tật, do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương giải quyết.

+ Bị chết:

Trong thời gian điều trị nếu bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí như quy định đối với người tham gia đóng BHXH;

Trường hợp chết do tái phát vết thương, người lo mai táng được hưởng tiền mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở.

- Kinh phí chi trả các chế độ khi bị ốm đau, tai nạn hoặc chết:

+ Đối với người không tham gia BHXH, BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm;

+ Đối với người có tham gia đóng BHXH, BHYT thì tiền khám chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả;

Người có tham gia đóng BHXH thì chế độ tử tuất và chế độ trợ cấp một lần hoặc hàng tháng do quỹ BHXH chi trả.

- Cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền bị tai nạn, thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ.

4. Chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự bị thương, hy sinh

Căn cứ Điều 37 Nghị định 02/2019/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự bị thương, hy sinh như sau:

Người được huy động tham gia lực lượng phòng thủ dân sự bị thương, hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có đủ điều kiện, được xem xét công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,638

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]