Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu gồm những gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/02/2023 12:00 PM

Tôi muốn hỏi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu gồm những giấy tờ gì? - Hà Vy (Kiên Giang)

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu gồm những gì?

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu gồm những gì?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện bán lẻ rượu

Theo Điều 13 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP), điều kiện bán lẻ rượu được quy định như sau:

- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.

- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu gồm những gì?

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu (01 bộ) được thực hiện theo Điều 23 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP), bao gồm:

-  Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP)

Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

- Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ.

- Bản sao văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

3. Thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu

Cụ thể tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP) quy định về thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu như sau:

- Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân.

Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung

4. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân bán lẻ rượu

* Quyền và nghĩa vụ chung của thương nhân bán lẻ rượu

- Mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp;

- Niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tại các địa điểm bán rượu của thương nhân và chỉ được mua, bán rượu theo nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp, trừ trường hợp đối với thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

- Thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

(Khoản 1 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP))

* Quyền và nghĩa vụ thương nhân bán lẻ rượu

Theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ thương nhân bán lẻ rượu được quy định như sau:

- Mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu theo nội dung ghi trong giấy phép;

- Bán rượu cho thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ hoặc bán trực tiếp cho người mua tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân theo nội dung ghi trong giấy phép.

5. Các nguyên tắc quản lý rượu trong kinh doanh rượu

Việc quản lý rượu trong kinh doanh rượu phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 và các quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

- Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép;

Thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện;

Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

- Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy.

Trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

(Điều 4 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP))

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,491

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]