Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA giấy bán xe của cá nhân phải có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Do đó, đối với các hợp đồng mua bán xe nếu bên bán là cá nhân thì bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực. Trong đó, muốn làm theo hình thức nào thì tùy vào nhu cầu và mong muốn của hai bên mua bán.
Việc công chứng hoắc chứng thực được thực hiện tại cơ quan, tổ chức sau đây:
- Công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật; hoặc
- Chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn (chứng thực chũ ký).
Chồng bán xe có cần chữ ký của vợ không? (Hình từ Internet)
Theo quy định tại của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ chồng có có thể có tài sản chung và tài sản riêng, trong đó tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Trong đó, quy định đoạt đối với từng loại tài sản cụ thể như sau:
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình.
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Ngoài ra, Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
- Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
+ Bất động sản;
+ Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
+ Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Như vậy, có thể thấy việc định đoạt đối với tài sản chung là động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Xe máy, xe ô tô nếu được xác định là tài sản chung của vợ chồng và một trong hai bên vợ hoặc chồng muốn bán xe thì về nguyên tắc vẫn phải có sự thỏa thuận đồng ý bằng văn bản của bên còn lại.
Tuy nhiên, pháp luật cũng tạo điều kiện cho vợ hoặc chồng không nhất thiết phải cùng đi công chứng hợp đồng mua bán xe.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Như vậy, nếu người vợ làm văn bản ủy quyền hợp lệ đồng ý cho người chồng bán xe thì khi đi công chứng hợp đồng mua bán không cần người vợ phải đi cùng và người vợ cũng không cần ký vào hợp đồng mua bán xe.
Trường hợp xe máy, ô tô được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng thì vợ, chồng có quyền định đoạt đối với tài sản riêng của mình mà không cần phải có sự đồng ý của bên còn lại.