Theo báo An ninh Thủ đô đưa tin, tại cuộc giao ban báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vụ hỏa hoạn tại cửa hàng xăng dầu 2B Trần Hưng Đạo.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho biết, nhiệt độ vụ cháy có thể lên đến hơn 1.000 độ C nhưng trang thiết bị cho lực lượng cứu hỏa lại cực kỳ thiếu thốn:
"Chúng ta còn quá lạc hậu. Ở một số nước, cứ 10 năm là phải thay xe chữa cháy, không cần biết chạy được bao nhiêu ki lô mét. Nhưng số xe họ thải ra ấy, mình nhập về và hiện vẫn dùng.
Quần áo bảo hộ để chữa cháy đúng tiêu chuẩn, cả Sở chỉ có 50 bộ, chia cho các quận, huyện. Giá của mỗi bộ này xấp xỉ 300 triệu đồng, nên khi chữa cháy, chiến sỹ không có đủ quần áo bảo hộ để mặc".
Trang phục cứu hỏa chuẩn của Công an Hà Nội chỉ có 50 bộ, giá mỗi bộ 300 triệu đồng. Không biết trong số trang phục lính cứu hỏa đang ở hiện trường vụ cháy cây xăng gần Bệnh viện 108, bộ nào có giá 300 triệu đồng? Ảnh: Dân trí, VTC News.
Qua hình ảnh các chiến sĩ cứu hỏa lăn xả mình dập ngọn lửa bùng lên do xăng trong xe téc chảy ra, có thể thấy ngoài các chiến sĩ mặc cảnh phục còn có các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy mặc bộ đồ màu bạc trắng và bộ đồ màu sậm, có đường kẻ ngang phản quang. Qua các bức ảnh mà phóng viên ghi tại hiện trường, chỉ có một số chiến sĩ mặc bộ đồ màu bạc cầm vòi phun bọt vào đám cháy là có mũ trùm đầu. Còn lại đều chỉ đội mũ như mũ bảo hiểm.
Sau khi thông tin trang phục cứu hỏa thiếu thốn, đắt đỏ được tiết lộ, dư luận trên mạng một mặt lo lắng cho lực lượng cứu hỏa, mặt khác không khỏi thắc mắc trang phục cứu hỏa làm bằng chất liệu gì? Tại sao nó lại đắt như vậy.
Qua tìm hiểu trên mạng, được biết trang phục đặc biệt cho lính cứu hỏa được tạo ra bởi một sự kết hợp đặc biệt các vật liệu chống cháy, chống tan chảy và thiêu rụi nhưng đồng thời phải nhẹ, mềm linh hoạt để chủ nhân của nó linh hoạt trong khi làm nhiệm vụ. Cho đến nay, vẫn không rõ bộ đồ cứu hỏa có từ bao giờ nhưng người ta biết chắc rằng sự kết hợp vật liệu đặc biệt này không tồn tại cho đến khi một công ty hóa chất lớn phát minh ra chúng ở nửa cuối thế kỷ 20.
Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội cứu hỏa quốc gia Mỹ (NFPA), trang phục cứu hỏa chuẩn gồm có ba lớp. Lớp ngoài cùng thường được làm bằng chất liệu Nomex và/ hoặc Kevlar (thường thấy ở áo chống đạn). Lớp tiếp theo thường là Nomex mặc dù cũng có nhiều loại khác nữa. Lớp thứ ba là rào cản độ ẩm, được chế tạo từ chất liệu vải sợi chống ẩm.
Theo trang web eHow, Kevlar và Nomex là hai loại vải sợi do hãng hóa chất khổng lồ DuPont tạo ra hồi những năm 1960. Nomex là vải sợi có tính năng chống nhiệt và lửa trong khi Kevlar bổ sung tính linh hoạt, thoải mái cho phép trang phục cứu hỏa đảm bảo thông thoáng.
Kevlar là chất liệu nhẹ, bền, dẻo và được sử dụng trong mọi thứ, từ nội thất ô tô cho đến trang phục vận động viên Olympic. Kevlar cũng được sử dụng trong các phương tiện, nhà cửa và thậm chí hỗ trợ phi thuyền hạ cánh trên Sao Hỏa cho dù vẫn không rõ làm sao vải sợi này lại đạt được những tính năng đặc biệt đó.
Còn Nomex được sử dụng trong dây điện, trong các kết cấu mang tính hỗ trợ và ở trong nhiều trang phục bảo hộ được sử dụng trong quân đội, ngành công nghiệp và trên xe cứu hỏa.
Trang phục cứu hỏa làm từ các vật liệu trên bao gồm quần, áo, áo liền quần toàn thân và áo khoác. Ủng thường được làm từ vật liệu da chống cháy và được khâu bằng sợi Kevlar cao su đặc nhiệm. Găng tay có thể được làm bằng da mềm nhưng cũng sẽ được khâu bằng sợi Kevlar và đôi khi bao gồm một túi hơi được làm từ chất liệu Nomex. Mũ bảo hiểm được làm bằng nhựa dày, chịu nhiệt và thường bao gồm nắp tai Kevlar hoặc Nomex để bảo vệ thêm.
Bộ trang phục cứu hỏa có thể chịu được nhiệt độ lên đến 1.000 độ C. Vấn đề là lượng thời gian lính cứu hỏa trong trang phục chuẩn có thể chịu được nhiệt 1.000 độ C. Bởi hầu hết thời gian lính cứu hỏa là ở gần hoặc trong lửa trung bình từ 400 đến 800 độ C, nên có thể suy đoán là lính cứu hỏa an toàn về mặt tiếp xúc nhiệt nếu được mặc bộ trang phục cứu hỏa chuẩn như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, có một vấn đề nóng mà NFPA không được đề cập đến một cách tương xứng đó là hơi nước. Do hơi nước là chất lỏng bay hơi, nó có thể vượt qua các rào cản trong một bộ đồ cứu hỏa. Hơi nước có thể gây bỏng tồi tệ đến mức chảy da, cho nên ngay cả lính cứu hỏa mặc trang phục cứu hỏa đủ tiêu chuẩn vẫn có thể bị bỏng nặng.
Proximity suit có mặt tại hiện trường cứu hỏa vụ hỏa hoạn cây xăng gần Bệnh viện 108. Ảnh: Tuổi trẻ
Trang phục lính cứu hỏa được thấy trong hình chụp tại hiện trường vụ cháy cây xăng gần Bệnh viện 108 gồm có trang phục màu bạc (được gọi là Proximity suit) và sậm màu.
Theo Wikipedia, trang phục màu bạc được thiết kế để bảo vệ lính cứu hỏa khỏi nhiệt độ cao, đặc biệt khi gần lửa có nhiệt độ cực cao như cháy máy bay. Ban đầu, hồi những năm 1930, nó được làm bằng vải amiăng (vì thế còn được gọi là bộ trang phục amiăng). Ngày nay, chúng được làm từ các vật liệu nhôm hóa chân không (tạm dịch từ vacuum-deposited aluminized materials) phản lại các tải bức xạ cao do lửa sinh ra. Trang phục này được sử dụng để cứu hộ ở trong các trường hợp hỏa hoạn lớn, nhiệt độ lên đến 1.039 độ C.
Trang phục màu sậm là trang phục cứu hỏa thông thường, được làm bằng chất liệu Nomex như đã đề cập ở trên.
Trang phục cứu hỏa được quảng cáo, chào bán trên nhiều trang thương mại điện tử lớn như eBay, Amazon (Mỹ), Alibaba (Trung Quốc).
Trên eBay, mặt nạ dành cho lính cứu hỏa được chào bán giá 79 USD, bộ Proximity suit chào 325 USD.
Giá bán các trang phục này, tùy vào tên hãng sản xuất và phương thức giao dịch sỉ hoặc lẻ, là rất đa dạng. Chẳng hạn, bộ Proximity suit màu bạc có giá từ 79 USD cho đến… 800 USD (khoảng 1,6 - 16 triệu đồng) bán sỉ. Còn bộ trang phục cứu hỏa (gồm ủng, găng tay, quần áo) từ 40 USD (khoảng 800 nghìn đồng)/ bộ bán sỉ.
Cũng như vậy, mũ cứu hỏa giá được chào bán (bán sỉ) là từ 2 USD cho đến 200 USD.
Mặt nạ chống độc dành cho lính cứu hỏa trên eBay rao bán cao nhất tầm 300 USD (khoảng 6 triệu đồng).
Qua khảo sát nhanh của phóng viên VnReview trên mạng thì rõ ràng, trang phục cứu hỏa được bán phổ biến, giá chưa đến 30 triệu đồng (gồm quần áo, ủng, mặt nạ, găng tay). Với mức giá 300 triệu đồng/bộ, không biết bộ đồ cứu hoả của cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội có gì khác biệt?
Hải Ninh
Theo VnReview