Phương pháp tính lãi khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
21/04/2023 11:30 AM

Cho tôi hỏi về phương pháp tính lãi khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng quy định thế nào? - Hoa Lan (Tiền Giang)

.Phương pháp tính lãi khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng

Phương pháp tính lãi khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc tính lãi khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng 

Nguyên tắc tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng theo Điều 4 Thông tư 14/2017/TT-NHNN như sau:

- Lãi suất tính lãi: được quy đổi theo tỷ lệ %/năm (lãi suất năm); một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày.

Thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỷ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau:

+ Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;

+ Một tháng là ba mươi ngày;

+ Một tuần là bảy ngày;

+ Một ngày là hai mươi tư giờ.

- Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên:

Tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi theo một trong hai cách sau:

+ Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.

+ Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.

- Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng mà thời hạn tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng dưới một ngày: 

Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi được tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng, nhưng không được vượt quá một ngày.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng và quy định tại Thông tư 14/2017/TT-NHNN.

2. Phương pháp tính lãi khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng

Phương pháp tính lãi suất trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2017/TT-NHNN như sau:

- Yếu tố tính lãi:

+ Thời hạn tính lãi: Được xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 14/2017/TT-NHNN:

Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.

+ Số dư thực tế: Là số dư đầu ngày tính lãi của số dư tiền gửi, số dư nợ gốc trong hạn, số dư nợ gốc quá hạn, số dư lãi chậm trả thực tế mà bên nhận tiền gửi, bên nhận cấp tín dụng còn phải trả cho bên gửi tiền, bên cấp tín dụng được sử dụng để tính lãi theo thỏa thuận và quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng.

+ Số ngày duy trì số dư thực tế: Là số ngày mà số dư thực tế đầu mỗi ngày không thay đổi.

+ Lãi suất tính lãi: Được tính theo tỷ lệ %/năm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 14/2017/TT-NHNN.

- Công thức tính lãi:

Số tiền lãi của từng kỳ tính lãi được xác định như sau:

+ Số tiền lãi của một ngày được tính toán như sau:

Số tiền lãi ngày =

Số dư thực tế  x  Lãi suất tính lãi

365

Số tiền lãi của kỳ tính lãi bằng (=) tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.

+ Đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời gian duy trì số dư thực tế nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, được sử dụng công thức rút gọn sau để tính lãi:

Số tiền lãi =

∑ ( Số dư thực tế  x  số ngày duy trì số dư thực tế  x  Lãi suất tính lãi)

365

3. Quy định về minh bạch lãi suất khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng

Quy định về minh bạch lãi suất khi nhận tiền gửi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 14/2017/TT-NHNN như sau:

- Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thỏa thuận được lập thành văn bản dưới hình thức thỏa thuận cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cụ thể:

+ Văn bản thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải có nội dung về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi; 

Trường hợp thỏa thuận áp dụng lãi suất điều chỉnh thì trong văn bản thỏa thuận phải có nội dung về nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh và tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh.

+ Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên có thỏa thuận phương pháp tính lãi khác với phương pháp tính lãi quy định tại mục 2: 

++ Ngoài việc thực hiện quy định tại điểm a(i) khoản 2 Điều 5 Thông tư 14/2017/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng phải ghi rõ mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại mục 2 trong văn bản thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng; 

++ Trường hợp thỏa thuận áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, trong thông báo về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh, tổ chức tín dụng phải ghi rõ mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại mục 2.

- Đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng:

+ Tổ chức tín dụng phải thực hiện minh bạch thông tin về hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật về nhận tiền gửi và cấp tín dụng. 

Ngoài ra, tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai thông tin về phương pháp tính lãi tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng (nếu có).

Trước khi thực hiện giao dịch, tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi; 

Trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì thông tin cung cấp phải bao gồm cả nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh và tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh. 

Tổ chức tín dụng phải có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin trong trường hợp pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng có quy định.

+ Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên thỏa thuận phương pháp tính lãi khác với phương pháp tính lãi quy định tại mục 2: Ngoài thực hiện quy định tại điểm b(i) khoản 2 Điều 5 Thông tư 14/2017/TT-NHNN thì:

Tổ chức tín dụng phải cung cấp cho khách hàng mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại mục 2; 

Trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh và mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại mục 2.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,297

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]