Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/04/2023 17:31 PM

Xin hỏi hợp đồng khoán việc là gì và ký hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không? - Thanh Ngọc (Bình Dương)

Hợp đồng khoán việc là gì?

Hợp đồng khoán việc được hiểu là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành công việc nhất định nào đó theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phần việc thị hải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Đồng thời bên giao khoán nhận kết quả công việc và phải có nghĩa vụ trả cho bên nhận khoán tiền thù lao như đã thỏa thuận.

Với hợp đồng khoán việc, người thực hiện công việc không phải chịu sự quản lý, điều hành đó mà có thể tự tổ chức để thực hiện công việc và có thể nhờ, thuê, mướn người khác thực hiện công việc đó. Đồng thời, người lao động còn không bị phụ thuộc vào thời gian và điều kiện làm việc do người sử dụng lao động thỏa thuận.

Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội

Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội? (Hình từ internet)

Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

- Cán bộ, công chức, viên chức...

Căn cứ quy định nêu trên thì có thể thấy người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do đó, để xác định người lao động làm việc theo hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không thì cần phải xác định hợp đồng khoán việc đó mang tính chất hợp đồng lao động hay là hợp đồng thuê khoán dân sự, cụ thể:

– Nếu hợp đồng thuê khoán của công ty với người được thuê có các nội dung nêu trên thì mặc dù tên hợp đồng là hợp đồng thuê khoán nhưng bản chất chính là hợp đồng lao động thì thuộc trường hợp phải đóng bảo hiểm xã hội.

– Nếu hợp đồng thuê khoán này mang bản chất là hợp đồng thuê khoán dân sự, không có các nội dung cơ bản của hợp đồng lao động thì Hợp đồng thuê khoán của công ty không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động, không thuộc trường hợp phải đóng bảo hiểm xã hội.

Tiến lương tháng đóng bảo hiểm xã hội gồm những khoản nào?

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là:

- Mức lương.

- Phụ cấp lương, bao gồm:

+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

- Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 38,154

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]