Các chức danh nào thuộc quản lý của Bộ Chính trị khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/04/2023 11:00 AM

Cho tôi hỏi các chức danh nào khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu thuộc quản lý của Bộ Chính trị? - Tiến Minh (TPHCM)

Các chức danh nào thuộc quản lý của Bộ Chính trị khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu?

Các chức danh nào thuộc quản lý của Bộ Chính trị khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các chức danh nào thuộc quản lý của Bộ Chính trị khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu?

Theo khoản 2 Điều 15 Quy định 80/QĐ-TW ngày 18/8/2022 quy định Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh sau khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu:

- Các đồng chí nguyên: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

- Các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị.

- Các đồng chí nguyên Bí thư Trung ương Đảng.

- Các đồng chí nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Các đồng chí nguyên: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

- Đại tướng lực lượng vũ trang.

2. Nội dung quản lý của Bộ Chính trị với các chức danh sau khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu

Theo khoản 1 Điều 15 Quy định 80/QĐ-TW ngày 18/8/2022 quy định cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu (trừ trường hợp đã thôi giữ chức vụ hoặc được điều động, bố trí công tác khác không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến về những vấn đề sau:

- Tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; thành viên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu hội và các tổ chức (không bao gồm trưởng ban vận động thành lập hội, tổ chức); 

Làm thành viên, lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài; làm chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), giám đốc (tổng giám đốc) doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

- Khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

- Đi nước ngoài, tiếp khách quốc tế, trả lời phỏng vấn nước ngoài, nhận huân chương, huy chương, danh hiệu, giải thưởng của nước ngoài và các tổ chức quốc tế tặng.

3. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị

Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị theo Điều 6 Quy định 80/QĐ-TW ngày 18/8/2022 như sau:

- Quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để:

+ Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

+ Xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: 

++ Phó Chủ tịch nước;

++ Phó Chủ tịch Quốc hội;

++ Phó Thủ tướng Chính phủ;

++ Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

++ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

++ Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

++ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc:

++ Tổng Thư ký Quốc hội;

++ Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội;

++ Tổng Kiểm toán Nhà nước;

++ Các thành viên Chính phủ.

- Kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Quyết định phân công công tác đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Chỉ định Bí thư, Phó Bí thư và Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương. Khi cần thiết chỉ định bí thư, giao quyền bí thư hoặc giao phụ trách đảng bộ trực thuộc Trung ương.

- Quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; 

Khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ nêu tại Mục I, Phụ lục 1 Quy định 80/QĐ-TW ngày 18/8/2022 . 

Lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

- Quyết định phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

- Quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ở các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị.

- Uỷ quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét:

+ Quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định.

+ Bổ nhiệm lại và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý theo quy định (trừ các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng).

- Uỷ quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, gồm cả dự khuyết).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,653

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]