Các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/05/2023 16:00 PM

Tôi muốn biết các trường hợp nào doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán? – Tuyết Minh (Hậu Giang)

Các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán

Các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Doanh nghiệp kiểm toán là doanh nghiệp gì?

Doanh nghiệp kiểm toán là doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định Luật Kiểm toán độc lập 2011 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong đó, các loại doanh nghiệp sau đây được kinh doanh dịch vụ kiểm toán:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

- Công ty hợp danh;

- Doanh nghiệp tư nhân.

(Khoản 5 Điều 5 và Khoản 1 Điều 20 Luật Kiểm toán độc lập 2011)

2. Các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán

Doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Kiểm toán độc lập 2011, cụ thể như sau:

- Đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán;

- Đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề các dịch vụ khác với các dịch vụ quy định tại điểm a khoản này có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

- Thành viên tham gia cuộc kiểm toán, người quản lý, điều hành của doanh nghiệp kiểm toán là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán

Hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác với đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;

- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành của doanh nghiệp kiểm toán có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn và có ảnh hưởng đáng kể đối với đơn vị được kiểm toán

Hoặc là người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán đồng thời là người góp vốn và có ảnh hưởng đáng kể đối với doanh nghiệp kiểm toán;

- Doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thành lập hoặc tham gia thành lập;

- Đơn vị được kiểm toán đã thực hiện trong năm trước liền kề hoặc đang thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho chính doanh nghiệp kiểm toán;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán

Cụ thể tại Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán như sau:

- Hoạt động theo nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

- Bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp để bảo đảm chất lượng dịch vụ kiểm toán; quản lý hoạt động nghề nghiệp của kiểm toán viên hành nghề.

- Hàng năm thông báo danh sách kiểm toán viên hành nghề cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Bồi thường thiệt hại cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán trên cơ sở hợp đồng kiểm toán và theo quy định của pháp luật.

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.

- Thông báo cho đơn vị được kiểm toán khi nhận thấy đơn vị được kiểm toán có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính, kế toán.

- Cung cấp thông tin về kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Cung cấp hồ sơ, tài liệu kiểm toán theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán độc lập.

- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp; chấp hành quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng về kết quả kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán đã giao kết.

- Chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán:

+ Có lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại ngày ký báo cáo kiểm toán;

+ Có hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và cơ sở lập báo cáo tài chính là các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.

- Từ chối thực hiện kiểm toán khi xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện kiểm toán.

- Từ chối thực hiện kiểm toán khi khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật.

- Tổ chức kiểm toán chất lượng hoạt động và chịu sự kiểm toán chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,766

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]