Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
04/05/2023 11:00 AM

Cho tôi hỏi Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là gì? - Kim Nhi (Tiền Giang)

Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là gì?

Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là gì? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là gì?

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. 

Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.

2. Quy định về cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Quy định về cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo khoản 2 và khoản 4 Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP như sau:

- Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. 

Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho chủ xe cơ giới khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc có thoả thuận với chủ xe cơ giới về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.

- Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại mục 3.

3. Nội dung Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:

- Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.

- Số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy.

- Loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.

- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách.

- Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.

- Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.

- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

- Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp Bảo hiểm và nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận Bảo hiểm.

4. Thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 03/2021/NĐ-CP như sau:

- Đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn Bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.

- Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.

- Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm: 

+ Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 1 năm; 

+ Niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 1 năm theo quy định của pháp luật;

+ Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an.

- Trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo có nhu cầu đưa về cùng một thời điểm Bảo hiểm để quản lý, thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 1 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên của năm đó. 

Thời hạn bảo hiểm của năm tiếp theo đối với các hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm sau khi được đưa về cùng thời điểm thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 03/2021/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,959

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]