Các trường hợp giải mật bí mật nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/05/2023 17:27 PM

Tôi muốn biết pháp luật quy định bí mật nhà nước được giải mật trong những trường hợp nào? - Trúc Anh (Bắc Ninh)

Các trường hợp giải mật bí mật nhà nước

Các trường hợp giải mật bí mật nhà nước (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giải mật là gì?

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, giải mật là xóa bỏ độ mật của bí mật nhà nước.

Trong đó, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. (Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018)

2. Các trường hợp giải mật bí mật nhà nước

Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

* Trường hợp bí mật nhà nước đương nhiên giải mật:

Bí mật nhà nước đương nhiên giải mật trong các trường hợp sau:

- Hết thời hạn bảo vệ, hết thời gian gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018;

- Không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước. 

Trường hợp này, đơn vị Công an nhân dân xác định bí mật nhà nước phải đóng dấu “Giải mật” hoặc có văn bản, hình thức khác xác định việc giải mật và thông báo ngay bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

(Khoản 2 Điều 13 Thông tư 104/2021/TT-BCA)

* Trường hợp giải mật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập, hợp tác quốc tế:

Trong trường hợp này, các đơn vị Công an nhân dân phải tiến hành giải mật theo trình tự, thủ tục như sau:

- Người đứng đầu đơn vị Công an nhân dân xác định bí mật nhà nước thành lập Hội đồng giải mật;

- Hội đồng giải mật bao gồm đại diện lãnh đạo, chỉ huy đơn vị Công an nhân dân xác định bí mật nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng và đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước cần giải mật;

- Hội đồng giải mật có trách nhiệm xem xét việc giải mật, báo cáo người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước ban hành quyết định giải mật;

- Trường hợp giải mật một phần thì nội dung giải mật được đưa vào quyết định giải mật và chậm nhất 15 ngày kể từ ngày có quyết định giải mật: 

Đơn vị tiến hành giải mật có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết để thực hiện đóng dấu “Giải mật” hoặc có văn bản xác định việc giải mật đối với tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do mình quản lý;

- Trường hợp giải mật toàn bộ bí mật nhà nước thì sau khi quyết định giải mật phải được đóng dấu “Giải mật” hoặc có văn bản xác định việc giải mật và chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quyết định giải mật bí mật nhà nước: 

Đơn vị Công an nhân dân tiến hành giải mật có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết để đóng dấu “Giải mật” hoặc có văn bản xác định việc giải mật đối với tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

- Hồ sơ giải mật phải được lưu trữ bao gồm quyết định thành lập Hội đồng giải mật, bí mật nhà nước đề nghị giải mật, biên bản họp Hội đồng giải mật, quyết định giải mật và tài liệu khác có liên quan.

* Lưu ý: Đối với bí mật nhà nước do Lưu trữ lịch sử lưu trữ, nếu không xác định được cơ quan xác định bí mật nhà nước thì Lưu trữ lịch sử quyết định việc giải mật theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

(Khoản 3 Điều 13 Thông tư 104/2021/TT-BCA, khoản 5 Điều 22 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018)

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,175

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]