Thẩm quyền quản lý đối với cán bộ cấp xã, công chức cấp xã

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
13/06/2023 11:02 AM

Quản lý cán bộ, công chức cấp xã theo những nội dung gì? Thẩm quyền quản lý đối với cán bộ cấp xã, công chức cấp xã như thế nào? – Bích Ngọc (Bình Phước)

Thẩm quyền quản lý đối với cán bộ cấp xã, công chức cấp xã

Thẩm quyền quản lý đối với cán bộ cấp xã, công chức cấp xã (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nội dung quản lý cán bộ cấp xã, công chức cấp xã

Nội dung quản lý cán bộ cấp xã, công chức cấp xã bao gồm:

- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, điều lệ, quy chế về cán bộ, công chức cấp xã.

- Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã.

- Quy định chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, tiêu chuẩn và nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

- Quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ tập sự, thôi giữ chức vụ, thôi việc, nghỉ hưu, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cấp xã.

- Thực hiện khen thưởng, xử lý kỷ luật, chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức cấp xã.

- Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, quản lý hồ sơ về cán bộ, công chức cấp xã.

- Thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan, tổ chức và đối với cán bộ, công chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức cấp xã.

- Các công tác khác liên quan đến quản lý cán bộ, công chức cấp xã.

(Điều 31 Nghị định 33/2023/NĐ-CP)

2. Thẩm quyền quản lý đối với cán bộ cấp xã, công chức cấp xã

- Bộ Nội vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:

+ Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về cán bộ, công chức cấp xã;

+ Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã;

+ Thanh tra, kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân các cấp và đối với cán bộ, công chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã;

+ Thống kê, tổng hợp số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên phạm vi toàn quốc.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn:

+ Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này;

+ Ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã; hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cấp xã hàng năm;

+ Quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ cán bộ cấp xã và từng chức danh danh công chức cấp xã theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Nghị định này;

+ Quy định ngành đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã;

+ Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển dụng, lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã;

+ Hàng năm, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã;

+ Chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức cấp xã;

+ Ban hành quy định về phân cấp quản lý đối với cán bộ, công chức cấp xã;

+ Tổng hợp thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn cấp tỉnh;

+ Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ và theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã;

+ Hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện có nhiệm vụ và quyền hạn:

+ Lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã;

+ Quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức cấp xã theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này;

+ Tổ chức tuyển dụng đối với công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định này và Quy chế tuyển dụng công chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định tiếp nhận, điều động, chuyển công tác và quản lý công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định này và theo phân cấp quản lý công chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ cấp xã, thôi việc đối với công chức cấp xã và nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của pháp luật;

+ Quy định nhiệm vụ cụ thể của từng chức vụ cán bộ cấp xã và từng chức danh công chức cấp xã theo quy định tại Điều 9 và Điều 11 Nghị định này;

+ Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức cấp xã;

+ Quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm được quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này;

+ Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng dẫn và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về cán bộ, công chức cấp xã;

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của pháp luật;

+ Tổng hợp thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn cấp huyện;

+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cấp xã hàng năm; kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã;

+ Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã lập và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã.

- Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ và quyền hạn:

+ Trực tiếp quản lý và sử dụng công chức cấp xã; nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với công chức cấp xã;

+ Thực hiện chế độ, chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, tạo nguồn đối với công chức cấp xã;

+ Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm được quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này;

+ Đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở cấp huyện khen thưởng cán bộ, công chức cấp xã theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức ở địa phương;

+ Đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp huyện về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã;

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức cấp xã theo quy định của pháp luật;

+ Thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã;

+ Lập và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã.

(Điều 32 Nghị định 33/2023/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,365

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]