08 biện pháp phòng ngừa khủng bố ở Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
12/06/2023 10:50 AM

Cho tôi hỏi thế nào là khủng bố? Việc phòng ngừa khủng bố ở Việt Nam được thực hiện bằng các biện pháp như thế nào? - Mỹ Liên (Tây Ninh)

08 biện pháp phòng ngừa khủng bố ở Việt Nam

08 biện pháp phòng ngừa khủng bố ở Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là khủng bố?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố 2013, khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:

(i) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

(ii) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

(iii) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại (i) và (ii);

(iv) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại (i), (ii), (iii);

(v) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại (i), (ii), (iii), (iv);

(vi) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. 08 biện pháp phòng ngừa khủng bố ở Việt Nam

Việc phòng ngừa khủng bố và tài trợ khủng bố được thực hiện bằng các biện pháp quy định tại các điều từ Điều 20 đến Điều 27 Luật Phòng, chống khủng bố 2013 và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cụ thể như sau:

(1) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống khủng bố

- Cơ quan và người có thẩm quyền có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống khủng bố nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả phòng, chống khủng bố.

- Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống khủng bố bao gồm:

+ Nguy cơ, diễn biến, tình hình khủng bố; thủ đoạn, phương thức hoạt động, tính chất nguy hiểm, tác hại của khủng bố;

+ Biện pháp, kinh nghiệm, chính sách, pháp luật về phòng, chống khủng bố;

+ Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố;

+ Các nội dung cần thiết khác phục vụ cho yêu cầu phòng, chống khủng bố.

(2) Quản lý hành chính về an ninh, trật tự

- Cơ quan và người có thẩm quyền quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tổ chức, cá nhân khủng bố và có biện pháp xử lý phù hợp.

- Các biện pháp phòng ngừa khủng bố thông qua quản lý hành chính về an ninh, trật tự, bao gồm:

+ Quản lý cư trú, tàng thư, căn cước công dân;

+ Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ;

+ Thực hiện công tác cảnh vệ, bảo vệ các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, công trình quốc phòng, khu quân sự, trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam;

+ Tuần tra, kiểm soát, giám sát mục tiêu trọng điểm về an ninh, trật tự, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, cửa khẩu, khu vực biên giới và nơi tập trung đông người, nơi công cộng khác;

+ Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;

+ Các biện pháp quản lý hành chính về an ninh, trật tự khác theo quy định của pháp luật.

(3) Kiểm soát hoạt động giao thông vận tải

Cơ quan và người có thẩm quyền kiểm soát giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, hàng không có trách nhiệm chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để khủng bố.

(4) Kiểm soát giao dịch tiền, tài sản

Cơ quan và người có thẩm quyền kiểm soát giao dịch tiền, tài sản có trách nhiệm theo dõi, giám sát, ngăn chặn các giao dịch tiền, tài sản có dấu hiệu liên quan đến khủng bố; giám sát các giao dịch tiền, tài sản có mức giá trị phải báo cáo theo quy định của pháp luật nhằm kịp thời phát hiện giao dịch có dấu hiệu liên quan đến khủng bố.

(5) Kiểm soát phương tiện, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh

Cơ quan và người có thẩm quyền kiểm soát phương tiện, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phương tiện, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để khủng bố.

(6) Kiểm soát hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông và các hình thức thông tin khác

Cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông và các hình thức thông tin khác có trách nhiệm kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để khủng bố.

(7) Kiểm soát các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh

Cơ quan và người có thẩm quyền kiểm soát vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh phẩm có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động này để khủng bố.

(8) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng, chống khủng bố

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi được phân công có trách nhiệm xây dựng, huấn luyện, diễn tập và tổ chức thực hiện phương án phòng, chống khủng bố.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định trong phương án phòng, chống khủng bố đã được phê duyệt có trách nhiệm chấp hành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,667

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]