06 điều cần biết về phiên họp Ủy ban nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/06/2023 10:28 AM

Cho tôi hỏi khi nào tổ chức phiên họp Ủy ban nhân dân? Và việc triệu tập phiên họp Ủy ban nhân dân quy định thế nào? - Hoàng Vy (Long An)

06 điều cần biết về phiên họp Ủy ban nhân dân

06 điều cần biết về phiên họp Ủy ban nhân dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào tổ chức phiên họp Ủy ban nhân dân?

Theo Điều 113 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) quy định về hình thức tổ chức phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

- Ủy ban nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng một lần.

- Ủy ban nhân dân họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất trong các trường hợp sau đây:

+ Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định;

+ Theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

+ Theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân.

2. Quy định về triệu tập phiên họp Ủy ban nhân dân

Quy định về triệu tập phiên họp Ủy ban nhân dân theo Điều 114 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định cụ thể ngày họp, chương trình, nội dung phiên họp.

- Thành viên Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp Ủy ban nhân dân, nếu vắng mặt phải báo cáo và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân đồng ý.

- Phiên họp Ủy ban nhân dân chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân tham dự.

- Chương trình, thời gian họp và các tài liệu trình tại phiên họp phải được gửi đến các thành viên Ủy ban nhân dân chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày bắt đầu phiên họp thường kỳ và chậm nhất là 01 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

3. Trách nhiệm chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân

Trách nhiệm chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân theo Điều 115 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân, bảo đảm thực hiện chương trình phiên họp và những quy định về phiên họp. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công chủ tọa phiên họp.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì việc thảo luận từng nội dung trình tại phiên họp Ủy ban nhân dân.

4. Khách mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân

Theo Điều 116 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì khách mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

- Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đại diện các Ban của Hội đồng nhân dân được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan;

Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và các đại biểu khác được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân khi bàn về các vấn đề có liên quan.

5. Hình thức biểu quyết tại phiên họp Ủy ban nhân dân

Hình thức biểu quyết tại phiên họp Ủy ban nhân dân theo Điều 117 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:

- Ủy ban nhân dân quyết định các vấn đề tại phiên họp bằng hình thức biểu quyết. Thành viên Ủy ban nhân dân có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.

- Ủy ban nhân dân quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

+ Biểu quyết công khai;

+ Bỏ phiếu kín.

- Quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành. Trường hợp số tán thành và số không tán thành ngang nhau thì quyết định theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

6. Thông tin về kết quả phiên họp Ủy ban nhân dân

Thông tin về kết quả phiên họp Ủy ban nhân dân theo Điều 120 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:

- Kết quả phiên họp Ủy ban nhân dân phải được thông báo kịp thời đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sau đây:

+ Các thành viên Ủy ban nhân dân, Thường trực cấp ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên và cấp dưới trực tiếp; Thủ tướng Chính phủ đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

- Đối với kết quả phiên họp Ủy ban nhân dân liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương thì ngay sau mỗi phiên họp, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm thông tin cho các cơ quan báo chí.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,763

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]