Hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên là bao nhiêu?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
19/06/2023 13:31 PM

Xin cho tôi hỏi Điều tra viên là ai? Điều tra viên có hạn tuổi phục vụ cho công việc là bao nhiêu? - Thủy Tiên (Bình Phước)

Hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên là bao nhiêu?

Hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều tra viên là ai?

Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự.

Trong đó, Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây:

- Điều tra viên sơ cấp;

- Điều tra viên trung cấp;

- Điều tra viên cao cấp

(Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

2. Hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên là bao nhiêu?

Cụ thể tại Điều 58 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên như sau:

- Hạn tuổi phục vụ cao nhất của Điều tra viên là sĩ quan trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuổi nghỉ hưu của Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động.

Cụ thể: 

+ Hạn tuổi phục vụ cao nhất của Điều tra viên là sĩ quan trong Công an nhân dân như sau:

(i) Hạ sĩ quan: 45;

(ii) Cấp úy: 53;

(iii) Thiếu tá, Trung tá: nam 55, nữ 53;

(iv) Thượng tá: nam 58, nữ 55;

(v) Đại tá: nam 60, nữ 55;

(vi) Cấp tướng: 60.

(Khoản 1 Điều 30 Luật Công an nhân dân 2018)

+ Hạn tuổi phục vụ cao nhất của Điều tra viên là sĩ quan trong Quân đội nhân dân

Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm:

(i) Cấp Úy: nam 46, nữ 46;

(ii) Thiếu tá: nam 48, nữ 48;

(iii) Trung tá: nam 51, nữ 51;

(iv) Thượng tá: nam 54, nữ 54;

(v) Đại tá: nam 57, nữ 55;

(vi) Cấp Tướng: nam 60, nữ 55.

(Khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nâm 1999 (sửa đổi 2008))

- Trường hợp Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân có nhu cầu, nếu Điều tra viên có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không quá 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, trừ nữ sĩ quan cấp tướng.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên

Điều tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm như sau:

- Điều tra viên được tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động Điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra.

- Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Điều tra vụ án hình sự.

- Điều tra viên có trách nhiệm sau đây:

+ Áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan để Điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ;

+ Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra;

+ Từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định;

+ Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

- Điều tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra về hành vi, quyết định của mình.

(Điều 53 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,691

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]