Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
21/06/2023 08:28 AM

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề bao gồm những nội dung cơ bản nào? Ai có thẩm quyền ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề? – Ngọc Hoa (Hòa Bình)

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nội dung cơ bản của Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề phải phù hợp với quy định của pháp luật và có các nội dung cơ bản sau đây:

- Nguyên tắc hành nghề;

- Cạnh tranh trong hành nghề;

- Bảo đảm quyền bình đẳng giới;

- Quyền sở hữu trí tuệ;

- Ứng xử nghề nghiệp đối với đồng nghiệp và khách hàng.

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc.

(Điều 22 Luật Kiến trúc 2019)

2. Thẩm quyền ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề

Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 85/2020/NĐ-CP, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức lập, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề theo trình tự, thủ tục tại mục 3.

3. Thủ tục ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề

Trình tự, thủ tục ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề như sau:

- Thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập để soạn thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

- Lập Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

- Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cá nhân có liên quan về dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

- Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Hội Kiến trúc sư Việt Nam;

- Ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban hành, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tổ chức ban hành; gửi đến Bộ Xây dựng để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và các hình thức khác theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin.

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được định kỳ 05 năm rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

(Khoản 2 Điều 23 Nghị định 85/2020/NĐ-CP)

4. Điều kiện hành nghề kiến trúc

- Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 Luật Kiến trúc 2019.

- Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

- Tổ chức hành nghề kiến trúc phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 33 Luật Kiến trúc 2019, bao gồm:

+ Được thành lập theo quy định của pháp luật;

+ Có cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc hoặc chủ trì thiết kế kiến trúc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc;

+ Thông báo thông tin cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề kiến trúc có trụ sở hoạt động.

(Điều 21 Nghị định 85/2020/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,229

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]