Kê khai lý lịch đảng viên không trung thực được xem là hành vi tiêu cực (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Cụ thể, các hành vi được xem là hành vi tiêu cực khác trong công tác cán bộ được quy định tại Điều 5 Quy định 114-QĐ/TW năm 2023 như sau:
(1) Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự.
(2) Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.
(3) Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ.
(4) Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực.
(5) Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ.
Như vậy, hành vi kê khai lý lịch đảng viên, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực sẽ được xem là hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tổ chức, cá nhân có hành vi kê khai lý lịch đảng viên không đầy đủ, không trung thực sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 14 Quy định 114-QĐ/TW, cụ thể như sau:
- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy định 114-QĐ/TW thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
Đồng thời, cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý sau:
+ Bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ.
Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
+ Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
+ Bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ.
Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
+ Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm thì chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định.
Tại Điều 2 Điệu lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định về đảng viên có nhiệm vụ như sau:
- Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.
- Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh;
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân;
Tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở;
Tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng;
Phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng;
Làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.