Bảo vệ quyền SHTT - quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/07/2023 18:00 PM

Xin tư vấn giúp tôi pháp luật hiện hành bảo vệ quyền SHTT- quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình? - Khánh Chi (TPHCM)

Bảo vệ quyền SHTT - quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình

Bảo vệ quyền SHTT - quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình (Hình từ internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quyền liên quan đối với bản ghi âm ghi hình

Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Theo Khoản 2 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định thì quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chư­ơng trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây ph­ương hại đến quyền tác giả.

 Các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ

Theo Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ:

- Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;

+ Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;

+ Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005;

+ Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005;

+ Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;

+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;

+ Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa chỉ được bảo hộ theo quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 với điều kiện không gây ph­ương hại đến quyền tác giả.

Quy định về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình

Theo Khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 sửa đổi, bổ sung Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình:

- Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

+ Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;

+ Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

- Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 34 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về thời hạn bảo hộ quyền liên quan là quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.

Ngoài ra, theo Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chủ sở hữu quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan.

Hành vi xâm phạm các quyền liên quan là bản ghi âm ghi, ghi hình

Theo Khoản 10 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022  sửa đổi Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm các quyền liên quan như sau:

- Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

- Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

- Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

- Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

- Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

- Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.

- Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,733

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]