Quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/08/2023 17:30 PM

Xin hỏi quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như thế nào? Nếu người bị tuyên bố mất tích trở về thì tài sản sẽ giải quyết thế nào? - Bích Hạnh (Hải Dương)

Quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào thì tuyên bố một người mất tích?

Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

(Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015)

2. Quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Theo Điều 69 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:

Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích.

Theo đó, người quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích có quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

+ Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.

+ Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng.

+ Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án.

+ Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

- Quyền của người quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

+ Quản lý tài sản của người vắng mặt.

+ Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.

+ Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản của người vắng mặt.

Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

3. Người bị tuyên bố mất tích trở về thì tài sản sẽ giải quyết thế nào?

- Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.

- Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.

Như vậy, nếu người bị tuyên bố mất tích trở về thì tài sản sẽ được chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý. 

(Khoản 1, 2 Điều 70 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,077

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]