Các hình thức trợ giúp pháp lý theo luật định

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
02/09/2023 17:00 PM

Xin cho tôi hỏi các hình thức trợ giúp pháp lý theo luật định được quy định như thế nào? - Quang Lâm (Thái Bình)

Các hình thức trợ giúp pháp lý theo luật định

Các hình thức trợ giúp pháp lý theo luật định (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hình thức trợ giúp pháp lý theo luật định

Cụ thể tại khoản 2 Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Tham gia tố tụng;

- Tư vấn pháp luật;

- Đại diện ngoài tố tụng.

2. Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý

Căn cứ theo Điều 26 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương;

+ Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương;

+ Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.

- Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng.

- Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký.

3. Thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý

Theo Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý như sau:

- Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:

+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

+ Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

+ Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

4. Quy định về thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý

Theo Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:

- Yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 và phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017.

- Người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có liên quan.

- Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thụ lý và thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;

+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

+ Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

+ Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

- Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

Hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,508

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]