Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là ai? (Hình từ Internet)
Về vấn đền này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là những đương sự trong tố tụng hình sự.
Cụ thể:
- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
(Điểm g khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 63 và khoản 1 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự có các quyền và nghĩa vụ như sau:
- Về quyền:
+ Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
+ Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
+ Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
+ Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
+ Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
+ Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
+ Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; xem biên bản phiên tòa;
+ Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
+ Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Về nghĩa vụ:
+ Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
+ Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;
+ Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
(Khoản 2, 3 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Bị đơn dân sự trong vụ án hình sự có các quyền và nghĩa vụ như sau:
- Về quyền:
+ Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
+ Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự;
+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
+ Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
+ Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
+ Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án có liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại;
+ Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
+ Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn; xem biên bản phiên tòa;
+ Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
+ Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Về nghĩa vụ:
+ Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
+ Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;
+ Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
(Khoản 2, 3 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)