Học bổ túc là gì? Tốt nghiệp cấp 3 học bổ túc có thi đại học được không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Học bổ túc có thể hiểu đơn giản chính là hình thức học đặc biệt dành cho các đối tượng không có thời gian, điều kiện, tiêu chuẩn,… tham gia học tại các trường THPT công lập hoặc dân lập. Mặc dù chương trình học không đa dạng như các lớp chính quy, nhưng người học lớp bổ túc vẫn được cung cấp khối lượng kiến thức đầy đủ ở các môn chính theo tiêu chuẩn Bộ Giáo dục.
Theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định đối tượng và điều kiện dự tuyển đại học như sau:
- Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức), bao gồm:
+ Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;
+ Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.
- Đối tượng dự tuyển nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định tại Điều 9 Quy chế này;
+ Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;
+ Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.
Như vậy theo quy định nêu trên thì tốt nghiệp cấp 3 trường bổ túc vẫn được dự thi đại học.
Căn cứ Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định về văn bằng, chứng chỉ như sau:
- Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
- Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
- Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
- Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
- Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Dựa các căn cứ trên, hệ giáo dục bổ túc hay chính quy đều nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông từ cả hai hệ đều có giá trị tương đương.
- Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
- Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
- Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em 2016, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật 2010, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
(Điều 13 Luật Giáo dục 2019)