Việc làm thời vụ là gì? Một số quy định về việc làm thời vụ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/11/2023 07:45 AM

Xin hỏi việc làm thời vụ là gì và hiện tại có những quy định nào liên quan đến việc làm thời vụ?

Việc làm thời vụ là gì?

Việc làm thời vụ là gì? - Đây là cụm từ tìm kiếm khá phổ biến trên các trang thông tin việc làm, tuyển dụng.

Trước đây, tại Bộ luật Lao động 2012 có đề cập về Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Và quy định không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên,… (Hiện tại Bộ luật Lao động 2019 không còn quy định loại hợp đồng này).

Có thể hiểu đơn giản, việc làm thời vụ là những công việc ngắn hạn, tạm thời, không mang tính chất thường xuyên,… tại một đơn vị/tổ chức nào đó.

Đặc biệt vào thời điểm cuối năm và dịp Lễ, Tết hàng năm, những công việc thời vụ phổ biến như: Làm đóng gói quà tết cho các cửa hàng tạp hoá; Làm vệ sinh nhà cửa, cơ quan theo giờ; Nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn;...

Nhìn chung, việc làm thời vụ dù ngắn hạn nhưng lại thu hút rất nhiều lao động do không đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, nhiều loại hồ sơ giấy tờ,... mà lại linh hoạt, ít bị gò bó thời gian.

Một số quy định về việc làm thời vụ

Một số quy định về việc làm thời vụ (Hình từ internet)

Một số quy định về việc làm thời vụ

Nhân viên làm thời vụ có ký hợp đồng lao động không?

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 quy định 02 loại hợp đồng lao động là:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, nhân viên làm thời vụ có thể ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Thời hạn hợp đồng thời vụ vẫn do người lao động và người sử dụng tự thỏa thuận, có thể là 01 tháng, 03 tháng, 06 tháng,… nhưng không quá 36 tháng.

Hợp đồng thời vụ có phải buộc lập thành văn bản hay không?

Theo Bộ luật Lao động 2019 hình thức hợp đồng lao động được quy định như sau:

(1) Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản (2).

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

(2) Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp:

 - Thuê người lao động làm từ đủ 01 tháng trở lên.

 - Thuê người lao động dưới 15 tuổi (điểm a khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019).

 - Ký hợp đồng với người lao động làm giúp việc gia đình (khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động 2019).

 - Ký hợp đồng với nhóm người lao động thông qua một người được ủy quyền (khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019).

Nội dung hợp đồng thời vụ

Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Thời hạn của hợp đồng lao động;

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Chế độ nâng bậc, nâng lương;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. (Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019).

Ký hợp đồng thời vụ có đóng BHXH không?

Để xác định người làm việc thời vụ có đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hay không thì cần căn cứ vào loại hợp đồng lao động đã ký.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì bắt buộc phải tham BHYT.

Ngoài ra, Luật Việc làm 2013 quy định người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, tùy theo thời hạn hợp đồng thời vụ là bao nhiêu thì mới xác định được người này có thuộc đối tượng đóng bảo hiểm hay không.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 44,890

Bài viết về

Hợp đồng lao động

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]