Giờ làm việc Ủy ban nhân dân phường hiện nay như thế nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hiện nay, không có một quy định chung nào về giờ làm việc của các cơ quan Nhà nước. Mỗi cơ quan, địa phương sẽ áp dụng khung giờ khác nhau, tùy theo tính chất công việc và địa bàn hoạt động.
Thông thường, giờ làm việc của Ủy ban nhân dân phường sẽ theo khung giờ từ 7h30 đến 17h.
Chẳng hạn:
Tại TP. Hồ Chí Minh, khung giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước được ban hành kèm theo Quyết định 67/2017/QĐ-UBND. Cụ thể:
- Buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút
- Buổi chiều từ 13h giờ đến 17 giờ.
Tuy nhiên, thời giờ làm việc này có thể điều chỉnh phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác của từng cơ quan, đơn vị và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố nhưng phải đảm bảo đủ 08 giờ làm việc/01 ngày làm việc.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ tình hình thực tế bố trí thời gian làm việc phù hợp, đảm bảo đúng quy định của Bộ Luật Lao động 2019.
Bên cạnh đó, tại Quyết định 32/2010/QĐ-UBND TP.HCM về tổ chức làm việc buổi sáng thứ 7 hàng tuần trong đó cũng có quy định các cơ quan thực hiện như sau:
- Các Sở, cơ quan thuộc UBND TP.HCM
- UBND cấp huyện
- UBND cấp xã
- Các đơn vị trực thuộc của các cơ quan nêu trên
Tại Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định về Ủy ban nhân dân như sau:
- Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
- Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.
Như vậy, Ủy ban nhân dân phường sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra.
Căn cứ Điều 34 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) có quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã như sau:
- Ủy ban nhân dân xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
- Ủy ban nhân dân xã loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại III có một Phó Chủ tịch.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã như sau:
- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân xã quyết định các nội dung:
+ Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã.
+ Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã.
+ Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền.
+ Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của xã trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền.
Và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.
- Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã.
(Điều 35 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015)