Các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
06/12/2023 11:15 AM

Các tỉnh đồng bằng sông Hồng gồm những tỉnh nào? Mục tiêu phát triển các tỉnh đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị như thế nào? – Ngọc Hằng (Sóc Trăng)

Các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Các tỉnh đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình.

2. Mục tiêu phát triển các tỉnh đồng bằng sông Hồng

* Mục tiêu đến năm 2030

Đồng bằng Sông Hồng là vùng:

- Phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết.

- Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả.

- Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

* Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm.

Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%.

GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 76%, tiểu học đạt 95%, trung học cơ sở đạt 90%, trung học phổ thông đạt 68%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 48 - 52%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.

- Tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

* Tầm nhìn đến năm 2045

Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Căn cứ: Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,834

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]