Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế với hành vi vi phạm thủ tục thuế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/12/2023 10:30 AM

Các trường hợp nào sẽ không xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế với hành vi vi phạm thủ tục thuế? - Tấn Tài (Hậu Giang)

Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế với hành vi vi phạm thủ tục thuế

Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế với hành vi vi phạm thủ tục thuế (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hành vi vi phạm thủ tục thuế

Theo khoản 1 Điều 141 Luật Quản lý thuế 2019 thì hành vi vi phạm thủ tục thuế bao gồm:

- Hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế;

- Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019;

- Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong khoảng thời gian từ ngày hết hạn phải nộp tờ khai hải quan đến trước ngày xử lý hàng hóa không có người nhận theo quy định của Luật Hải quan 2014;

- Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, trừ trường hợp người nộp thuế khai bổ sung trong thời hạn quy định;

- Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;

- Hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

2. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế với hành vi vi phạm thủ tục thuế

Theo khoản 2 Điều 141 Luật Quản lý thuế 2019 quy định không xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế trong các trường hợp sau đây:

- Người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;

- Cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn;

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019.

Theo Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019 quy định việc xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế như sau:

- Cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019.

- Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán.

- Mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch hoặc theo tháng đối với trường hợp kinh doanh theo thời vụ. Mức thuế khoán phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp có thay đổi ngành, nghề, quy mô kinh doanh, ngừng, tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế để điều chỉnh mức thuế khoán.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết căn cứ, trình tự để xác định mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

3. Quy định về xử lý hành vi vi phạm của ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế trong lĩnh vực quản lý thuế

Quy định về xử lý hành vi vi phạm của ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế trong lĩnh vực quản lý thuế theo Điều 144 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

- Ngân hàng thương mại không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế nợ phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế thì bị phạt số tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước, trừ trường hợp các tài khoản của người nộp thuế không còn số dư hoặc đã trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước nhưng vẫn không đủ số tiền thuế nợ mà người nộp thuế phải nộp.

- Người bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không nộp thuế thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế trong phạm vi bảo lãnh.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,255

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]