Căn cứ quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì có thể hiểu hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng không xác định thời hạn được ký phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
- Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Có được ký lại hợp đồng không xác định thời hạn? (Hình từ internet)
Căn cứ quy định tại Điều 14 và Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động không thời hạn sẽ được ký trong các trường hợp sau:
(1) Trường hợp 1: Hợp đồng lao động được ký kết theo sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động với thời hạn làm việc ghi trong hợp đồng lao động là không xác định thời hạn.
(2) Trường hợp 2: Doanh nghiệp và người lao động đã ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn, sau khi hợp đồng hết hạn người lao động vẫn tiếp tục làm việc nhưng hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
(3) Trường hợp 3: Doanh nghiệp và người lao động đã ký liên tiếp 2 hợp đồng lao động có xác định thời hạn, khi hợp đồng lao động ký lần 2 hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì doanh nghiệp và người lao động phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Căn cứ các quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và các quy định liên quan thì không có quy định nào cấm doanh nghiệp và người lao động ký lại hợp đồng lao động không xác định thời hạn đã giao kết trước đó.
Do đó, nếu có nhu cầu thì doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động cũ và ký lại hợp đồng lao động không xác định mới. Nhưng cần lưu ý, việc ký lại hợp đồng lao động trong trường hợp này phải tuân thủ các quy định liên quan quan tại Bộ luật Lao động 2019 và các quy định khác liên quan.
Ngoài ra, nếu không muốn chấm dứt hiệu lực của hợp đồng lao động cũ thì doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận với nhau các vấn đề liên quan và ký phụ lục hợp đồng lao động về các thỏa thuận thay đổi đó.
Theo đó, tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 quy định về phụ lục hợp đồng lao động như sau:
- Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
- Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.