Chuẩn mực kiểm toán số 250: Xem xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán báo cáo tài chính

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
30/12/2023 08:45 AM

Trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán trong việc xem xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kiểm toán số 250 gồm những gì? – Minh Hoàng (Sóc Trăng)

Chuẩn mực kiểm toán số 250: Xem xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán báo cáo tài chính

Chuẩn mực kiểm toán số 250: Xem xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán báo cáo tài chính (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chuẩn mực kiểm toán số 250: Xem xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán báo cáo tài chính được quy định tại Thông tư 214/2012/TT-BTC như sau:

1. Quy định chung Chuẩn mực kiểm toán số 250

* Phạm vi áp dụng

Chuẩn mực kiểm toán này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) khi xem xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định của đơn vị được kiểm toán trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính. Chuẩn mực kiểm toán này không áp dụng với các hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác mà theo đó kiểm toán viên phải kiểm tra và báo cáo riêng về tính tuân thủ của đơn vị đối với các luật và quy định cụ thể.

* Trách nhiệm tuân thủ pháp luật và các quy định (xem hướng dẫn tại đoạn A1 - A6 Chuẩn mực này)

- Trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, dưới sự giám sát của Ban quản trị, là đảm bảo rằng các hoạt động của đơn vị được thực hiện theo các điều khoản của pháp luật và các quy định, bao gồm việc tuân thủ các điều khoản của luật và các quy định về các số liệu và thuyết minh được trình bày trên báo cáo tài chính.

Trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán

- Thực hiện các quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 250 giúp kiểm toán viên phát hiện các sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính do hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định. Tuy nhiên, kiểm toán viên không có trách nhiệm ngăn ngừa và không thể kỳ vọng kiểm toán viên phát hiện hành vi không tuân thủ của đơn vị được kiểm toán đối với tất cả các luật và quy định có liên quan.

- Đoạn 05 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 yêu cầu kiểm toán viên đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. Khi tiến hành cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải xem xét khuôn khổ pháp luật và các quy định được áp dụng. Theo đoạn A51 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, do hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán, sẽ có rủi ro không thể tránh được là một số sai sót trọng yếu có thể không được phát hiện, kể cả khi cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện một cách phù hợp theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Khi xem xét pháp luật và các quy định, các ảnh hưởng có thể có từ những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán đến khả năng phát hiện sai sót trọng yếu của kiểm toán viên sẽ lớn hơn do một số nguyên nhân sau:

+ Có nhiều luật và các quy định chủ yếu liên quan đến hoạt động của đơn vị mà không ảnh hưởng đến báo cáo tài chính và không được lưu trữ trong hệ thống thông tin của đơn vị liên quan đến báo cáo tài chính;

+ Hành vi không tuân thủ có thể liên quan đến các hành động nhằm che giấu hành vi đó, như sự cấu kết, giả mạo, cố tình bỏ sót giao dịch, Ban Giám đốc khống chế  kiểm soát hoặc cố ý giải trình sai với kiểm toán viên;

+ Một hành động có được coi là hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định hay không hoàn toàn phụ thuộc vào phán quyết của tòa án.

Thông thường, nếu hành vi không tuân thủ càng ít liên quan đến những sự kiện và giao dịch phản ánh trong báo cáo tài chính thì kiểm toán viên càng khó nhận biết về hành vi không tuân thủ đó.

- Chuẩn mực kiểm toán này phân biệt trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến việc xem xét tính tuân thủ của đơn vị được kiểm toán đối với hai nhóm khác nhau của pháp luật và các quy định như sau:

+ Các điều khoản của pháp luật và các quy định thường có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định các số liệu và thuyết minh trọng yếu trên báo cáo tài chính, như luật và các quy định về thuế (xem đoạn 13 Chuẩn mực kiểm toán số 250);

+ Pháp luật và các quy định khác không có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định các số liệu và thuyết minh trên báo cáo tài chính, nhưng việc tuân thủ pháp luật và các quy định này có thể là yêu cầu nền tảng đối với hoạt động của đơn vị, đối với khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh, hoặc để tránh các khoản phạt nặng (ví dụ, việc tuân thủ các điều khoản trong giấy phép hoạt động, tuân thủ các yêu cầu về năng lực tài chính, hoặc tuân thủ yêu cầu về môi trường); hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định này có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính (xem đoạn 14 Chuẩn mực kiểm toán số 250).

- Chuẩn mực kiểm toán này quy định các yêu cầu khác nhau cho từng nhóm luật và các quy định nêu trên. Đối với nhóm luật và các quy định tại đoạn 06(a) Chuẩn mực kiểm toán số 250, trách nhiệm của kiểm toán viên là thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc tuân thủ các luật và quy định này. Đối với nhóm luật và các quy định tại đoạn 06(b) Chuẩn mực kiểm toán số 250, trách nhiệm của kiểm toán viên được giới hạn trong việc thực hiện các thủ tục kiểm toán cụ thể để phát hiện các hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính.

- Chuẩn mực kiểm toán số 250 yêu cầu kiểm toán viên phải luôn duy trì sự cảnh giác đối với khả năng các thủ tục kiểm toán khác được thực hiện với mục đích đưa ý kiến về báo cáo tài chính có thể dẫn tới phát hiện hay nghi ngờ về hành vi không tuân thủ. Trong trường hợp này, theo quy định tại đoạn 15 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, kiểm toán viên phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt quá trình kiểm toán do ảnh hưởng đáng kể của pháp luật và các quy định đối với đơn vị.

- Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán số 250 khi xem xét tính tuân thủ pháp luật và các quy định trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.

Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán số 250 để phối hợp công việc với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, cũng như xử lý các mối quan hệ liên quan đến các thông tin đã được kiểm toán.

2. Nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 250

Chuẩn mực kiểm toán số 250

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 549

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]