Thành lập công ty cần chuẩn bị những gì? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1.1 Lựa chọn loại hình công ty phù hợp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản pháp luật liên quan, hiện có các loại hình doanh nghiệp sau đây:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân/tổ chức thành lập) hoặc do công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (có từ 02 - 50 thành viên góp vốn thành lập công ty), chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp.
- Công ty cổ phần có tối thiểu 03 cổ đông trở lên và không hạn chế số cổ đông tối đa. Những người này chịu trách nhiệm trong phạm vi cổ phần do mình sở hữu.
- Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
- Công ty hợp danh là công ty có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu công ty, cùng nhau kinh doanh và có thể có thêm cả thành viên góp vốn.
Như vậy, có thể thấy, hiện có nhiều loại hình công ty với nhiều đặc điểm khác nhau và số lượng thành viên thành lập cũng khác nhau. Do đó, trước khi muốn thành lập công ty thì cần phải xác định được loại hình doanh nghiệp mà mình muốn thành lập để chuẩn bị các điều kiện khác kèm theo.
1.2 Hồ sơ đăng ký thành lập công ty
Theo Chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quy định hồ sơ đăng ký công ty đối với từng loại hình công ty như sau:
Loại hình Công ty |
Hồ sơ đăng ký Công ty |
Công ty tư nhân |
- Giấy đề nghị đăng ký công ty. - Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ công ty tư nhân. |
Công ty hợp danh |
- Giấy đề nghị đăng ký công ty. - Điều lệ công ty. - Danh sách thành viên. - Bản sao các giấy tờ: + Giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, của người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. |
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần |
- Giấy đề nghị đăng ký công ty. - Điều lệ công ty. - Danh sách thành viên (công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (công ty cổ phần). - Bản sao các giấy tờ: + Giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của công ty. + Giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông tổ chức đầu tư nước ngoài và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. |
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên |
- Giấy đề nghị đăng ký công ty. - Điều lệ công ty. - Bản sao các giấy tờ: + Giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của công ty. + Giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu công ty; giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. + Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu công ty được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. |
1.3 Chuẩn bị tên cho công ty
Tuỳ vào loại hình doanh nghiệp để lựa chọn tên công ty đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, tên doanh nghiệp phải có các đặc điểm:
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
+ Loại hình doanh nghiệp;
+ Tên riêng.
- Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
1.4 Tìm kiếm địa điểm trụ sở đặt công ty
Theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 địa điểm trụ sở của công ty được đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
1.5 Lựa chọn mức vốn điều lệ công ty phù hợp
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty (theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020). Vốn điều lệ được đặt ra với các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và công ty cổ phần là khác nhau.
Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về mức vốn điều lệ bắt buộc tối thiểu hay tối đa của một công ty nào.
Số vốn này do công ty tự đăng ký và không cần phải chứng minh bằng tiền mặt, tài khoản hay bất cứ hình thức nào khác. Tuy nhiên người thành lập công ty cần phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ đã khai khi đăng ký công ty.
- Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
+ Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
+ Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
+ Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
- Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
- Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
(Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020)