Ai có quyền công bố Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về công bố luật, pháp lệnh, nghị quyết như sau:
- Chủ tịch nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.
Đối với pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua mà Chủ tịch nước đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Hiến pháp 2013 thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, Chủ tịch nước gửi văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét lại những vấn đề mà Chủ tịch nước có ý kiến tại phiên họp gần nhất. Sau khi pháp lệnh được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết, thông qua lại thì Chủ tịch nước công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua lại. Trong trường hợp Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.
Đối với luật, pháp lệnh được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Chủ tịch nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.
- Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.
Đối với nghị quyết được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.
Như vậy, Chủ tịch nước có quyền công bố luật, pháp lệnh và Tổng thư ký Quốc hội có quyền công bố nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cụ thể Điều 55 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) quy định nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết bao gồm:
- Tổ chức xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách đã được xây dựng trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước cơ quan, tổ chức trình dự án, dự thảo.
- Chuẩn bị dự thảo, tờ trình và các tài liệu có liên quan đến dự án, dự thảo.
Tờ trình dự án, dự thảo phải nêu rõ sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; mục đích, quan điểm xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; quá trình xây dựng dự án, dự thảo; bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo văn bản; tính thống nhất của dự thảo văn bản với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan đến nội dung dự án, dự thảo; tính tương thích của dự thảo văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự án, dự thảo và đăng tải dự án, dự thảo trên cổng thông tin điện tử và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo; tổng hợp và nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý trên cổng thông tin điện tử và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.
- Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định hoặc ý kiến tham gia của Chính phủ đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình.
- Chuẩn bị báo cáo giải trình về những chính sách mới phát sinh cần bổ sung vào dự án, dự thảo để trình cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có thẩm quyền trình xem xét, quyết định.
- Dự kiến những nội dung cần được giao quy định chi tiết trong dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; kiến nghị phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
- Đối với dự án, dự thảo do Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 trình và dự án, dự thảo do đại biểu Quốc hội tự mình soạn thảo thì cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm gửi báo cáo tiến độ soạn thảo đến Thường trực Ủy ban pháp luật để tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình thì bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm báo cáo tiến độ soạn thảo với Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ; đồng thời gửi Thường trực Ủy ban pháp luật để tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, nếu có sự thay đổi lớn về chính sách so với chính sách đã được Chính phủ thông qua thì bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo có trách nhiệm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.