Quy trình mua sắm tập trung áp dụng đấu thầu rộng rãi mới nhất năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
04/03/2024 11:45 AM

Cho tôi hỏi quy trình mua sắm tập trung áp dụng đấu thầu rộng rãi mới nhất được quy định như thế nào? – Huỳnh Như (Bình Phước)

Quy trình mua sắm tập trung áp dụng đấu thầu rộng rãi mới nhất năm 2024

Quy trình mua sắm tập trung áp dụng đấu thầu rộng rãi mới nhất năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Nguyên tắc mua sắm tập trung từ ngày 27/02/2024

Việc mua sắm tập trung từ ngày 27/02/2024 phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 87 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Việc mua sắm tập trung được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì thuê tư vấn đấu thầu thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.

- Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung sử dụng thỏa thuận khung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung.

Trường hợp thỏa thuận khung còn hiệu lực mà ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 22, khoản 23 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

Quy trình mua sắm tập trung áp dụng đấu thầu rộng rãi mới nhất năm 2024

Việc mua sắm tập trung áp dụng đấu thầu rộng rãi được thực hiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 34 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, bao gồm các bước sau:

(1) Xác định khối lượng mua sắm:

Việc xác định khối lượng mua sắm tập trung căn cứ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ gửi nhu cầu đến đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị mua sắm tập trung tự xác định khối lượng cần mua căn cứ khối lượng và số lượng sử dụng thực tế của kỳ mua sắm trước đó.

Đối với việc mua sắm tài sản theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, trừ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, việc xác định khối lượng mua sắm tập trung căn cứ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ gửi nhu cầu đến đơn vị mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đơn vị mua sắm tập trung, đàm phán giá có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu mua sắm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân (nếu có) và tổ chức mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân như quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn;

(2) Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại các Điều 37, 38, 39 và 41 Luật Đấu thầu 2023;

(3) Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 38 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

Trường hợp cần lựa chọn nhiều hơn 01 nhà thầu trúng thầu trong 01 phần hoặc 01 gói thầu không chia phần, hồ sơ mời thầu phải quy định các điều kiện chào thầu, phương pháp đánh giá, xếp hạng nhà thầu;

(4) Việc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại các Điều 27, 28, 29, 30 hoặc các Điều 39, 40, 41, 42 và 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

(5) Việc trình thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu trong trường hợp nhà thầu có yêu cầu thực hiện theo quy định tại Điều 31 và Điều 44 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

(6) Hoàn thiện, ký kết thỏa thuận khung:

Đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu trúng thầu hoàn thiện nội dung thỏa thuận khung theo quy định tại Điều 90 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, làm cơ sở ký kết thỏa thuận khung. Trường hợp một nhà thầu trúng nhiều phần của gói thầu hoặc trúng nhiều gói thầu khác nhau, nhà thầu phải nộp bản cam kết bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để hoàn thành công việc theo chất lượng và tiến độ thực hiện; bản cam kết này là một phần của hợp đồng;

(7) Hoàn thiện, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu:

Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung trực tiếp ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu thì không phải ký kết thỏa thuận khung theo quy định tại (6). Nhà thầu đã ký kết thỏa thuận khung phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực cho đơn vị có nhu cầu mua sắm.

Nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng cho từng đơn vị có nhu cầu mua sắm hoặc cho tổng số phần mà nhà thầu ký hợp đồng theo mẫu được quy định trong hồ sơ mời thầu hoặc mẫu khác được chủ đầu tư chấp thuận.

Đơn vị có nhu cầu mua sắm thông báo cho đơn vị mua sắm tập trung trong trường hợp nhà thầu không ký hợp đồng. Nhà thầu đã ký thỏa thuận khung và được đơn vị có nhu cầu mua sắm yêu cầu ký hợp đồng nhưng không ký hợp đồng, không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trừ trường hợp bất khả kháng sẽ bị khóa tài khoản trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản đề nghị của đơn vị mua sắm tập trung;

(8) Quyết toán, thanh lý hợp đồng.

(Khoản 1 Điều 89 Nghị định 24/2024/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,317

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]