Vừa là bị cáo vừa là bị hại trong cùng vụ án hình sự được không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/03/2024 08:36 AM

Tôi đọc báo thấy bà Trương Mỹ Lan vừa là bị cáo vừa là bị hại trong cùng vụ án Vạn Thịnh Phát. Vậy một người vừa là bị cáo vừa là bị hại trong cùng vụ án hình sự được không? – Thu Thảo (Hà Tĩnh)

Vừa là bị cáo vừa là bị hại trong cùng vụ án hình sự được không?

Vừa là bị cáo vừa là bị hại trong cùng vụ án hình sự được không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bị cáo là ai? Bị hại là ai?

Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

(Khoản 1 Điều 61, khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

2. Vừa là bị cáo vừa là bị hại trong cùng vụ án hình sự được không?

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không nghiêm cấm một người vừa là bị cáo vừa là bị hại trong cùng một vụ án hình sự.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ án một người vừa là bị cáo vừa là bị hại:

- Bản án về tội cố ý gây thương tích số 28/2022/HS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.

- Bản án về tội gây rối trật tự công cộng số 48/2022/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái.

- Bản án về tội gây rối trật tự công cộng số 20/2022/HS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Bản án về tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích và tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng số 116/2021/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

3. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo, bị hại

3.1. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo

- Bị cáo có quyền:

+ Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

+ Tham gia phiên tòa;

+ Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ;

+ Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;

+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

+ Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

+ Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

+ Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

+ Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

+ Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

+ Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

+ Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Bị cáo có nghĩa vụ:

+ Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

+ Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.

(Khoản 2, 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

3.2. Quyền và nghĩa vụ của bị hại

- Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:

+ Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ;

+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

+ Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

+ Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

+ Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

+ Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

+ Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

+ Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;

+ Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

+ Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

+ Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.

- Bị hại có nghĩa vụ:

+ Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

+ Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

(Khoản 2, 3 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,682

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]