Hướng dẫn viết bài thu hoạch cảm tình đảng mới nhất 2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Bài thu hoạch cảm tình Đảng là một dạng bài tập tự tổng kết kiến thức, tự đánh giá của bản thân mà các Đảng viên cần phải hoàn thành sau khi đã tham gia lớp học cảm tình Đảng. Bài thu hoạch cảm tình Đảng cũng là căn cứ để xác định được mức độ nhận thức của cá nhân về Đảng cộng sản Việt Nam.
Có thể tham khảo cấu trúc của một bài thu hoạch cảm tình Đảng sẽ phải bao gồm những phần chính như sau:
(1) Lời mở đầu
Lời mở đầu của bài thu hoạch nêu lên lý do muốn vào Đảng: nói mục đích, động cơ và mục tiêu phấn đấu.
(2) Nội dung các phần
Trả lời những câu hỏi, thường là những câu hỏi đã cho sẵn khi làm bài thu hoạch nhằm tổng kết kiến thức được học trong quá trình bồi dưỡng lớp cảm tình Đảng.
(3) Kết luận
Cảm nghĩ sau buổi học cảm tình Đảng và liên hệ với bản thân trong quá trình thực tiễn sống và làm việc.
* Lưu ý khi viết bài thu hoạch cảm tình Đảng:
- Điền đầy đủ thông tin cá nhân trong bài thu hoạch: họ tên, ngày sinh, quê quán, nơi ở.
- Trả lời câu hỏi đúng trọng tâm, viết ngắn gọn, súc tích, tránh viết nội dung dài dòng.
- Trình bày văn bản rõ ràng, sạch đẹp, không tẩy gạch, xóa.
- Viết duy nhất một loại mực, không trang trí trong nội dung bài viết.
Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại) bao gồm:
(1) Người vào Đảng phải:
- Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;
- Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;
- Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
(2) Người giới thiệu phải:
- Là đảng viên chính thức và cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm;
- Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng và chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.
(3) Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ:
- Trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp, chi uỷ kiểm tra lại điều kiện của người vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi người đó sinh hoạt.
Vấn đề lịch sử chính trị của người vào Đảng phải thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
- Chi bộ xét và đề nghị kết nạp từng người một, khi được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ tán thành thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên; khi có quyết định của cấp uỷ cấp trên, chi bộ tổ chức lễ kết nạp từng người một.
- Đảng uỷ cơ sở xét, nếu được ít nhất hai phần ba số cấp uỷ viên tán thành kết nạp thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
- Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc cấp uỷ cơ sở được uỷ quyền xét, quyết định kết nạp từng người một.
(4) Nơi chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện giới thiệu thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp cử đảng viên về làm công tác tuyên truyền, xem xét, giới thiệu kết nạp vào Đảng. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quy định.
(Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011)