Các trường hợp áp giải người theo thủ tục hành chính mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền mà không phải do trở ngại khách quan hoặc trường hợp bất khả kháng thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:
- Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính;
- Đưa vào hoặc đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 124 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).
Thủ tục áp giải người theo thủ tục hành chính theo Điều 32 Nghị định 142/2021/NĐ-CP như sau:
- Trước khi áp giải người vi phạm, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải giải thích cho người bị áp giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị áp giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị áp giải.
- Trong khi áp giải, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải và cho người bị áp giải. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi áp dụng biện pháp áp giải phải bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 120 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và quy định tại Nghị định 142/2021/NĐ-CP.
- Trường hợp người bị áp giải có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi chống người thi hành công vụ, người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải báo cáo ngay người có thẩm quyền để ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người đó.
- Người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải giám sát, quản lý chặt chẽ người bị áp giải, cảnh giác, chủ động, kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; không được tùy tiện giải quyết các yêu cầu của người bị áp giải trong khi đang tiến hành áp giải.
Cách xử lý một số tình huống trong khi áp giải người theo thủ tục hành chính theo Điều 35 Nghị định 142/2021/NĐ-CP như sau:
- Trường hợp người bị áp giải có hành vi chống đối; người bị áp giải là người chưa thành niên có hành vi chửi bới, lăng mạ nhưng không tấn công bằng vũ lực thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải giải thích quy định của pháp luật, yêu cầu họ chấp hành quyết định; trường hợp người bị áp giải có hành vi tấn công bằng vũ lực, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải có quyền sử dụng vũ lực, trói, khóa tay, chân, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để khống chế vô hiệu hóa hành vi chống đối của người bị áp giải.
- Trường hợp người vi phạm bị áp giải bỏ trốn thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải yêu cầu những người có mặt phối hợp bắt giữ; trường hợp không bắt giữ ngay được đối tượng thì phải kịp thời báo cáo cho thủ trưởng đơn vị và liên hệ với chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có phương án truy tìm người vi phạm bỏ trốn; đồng thời, lập biên bản về việc người bị áp giải bỏ trốn, có chữ ký của người chứng kiến; nếu không có người chứng kiến phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Trường hợp người bị áp giải bị phát bệnh đột xuất cần cấp cứu kịp thời thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải nhanh chóng đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.
Việc áp giải hoặc đưa lên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để tiếp tục chữa trị phải có xác nhận bằng văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng sức khỏe của người bị áp giải và người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải báo cáo ngay cho chỉ huy trực tiếp biết.
Trong thời gian cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải có kế hoạch tổ chức canh giữ, giám sát chặt chẽ người vi phạm, không để trốn hoặc tự do tiếp xúc với người khác.
- Trường hợp người bị áp giải bị chết bất thường thì phải đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất và báo cáo ngay thủ trưởng đơn vị, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nơi xảy ra vụ việc biết để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Mọi trường hợp áp giải người vi phạm đều phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hậu cần, liên hệ trước với chính quyền địa phương nơi dẫn giải người vi phạm đến trong việc quản lý người bị áp giải.