Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
20/04/2024 10:00 AM

Tôi muốn hỏi cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự mới nhất được quy định thế nào? – An Thịnh (Đồng Tháp)

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự mới nhất

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự mới nhất

Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.

Trong đó, Tổng cục Thi hành án dân sự được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất, có cơ cấu tổ chức như sau:

(1) Cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự ở Trung ương:

(i) Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, trọng tài thương mại (gọi tắt là Vụ nghiệp vụ 1);

(ii) Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định phá sản; phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 2);

(iii) Vụ Quản lý Thi hành án hành chính, thống kê và dữ liệu thi hành án (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 3);

(iv) Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo;

(v) Vụ Tổ chức cán bộ;

(vi) Vụ Kế hoạch - Tài chính;

(vii) Văn phòng;

(viii) Tạp chí điện tử Thi hành án dân sự

Các tổ chức quy định từ (i) đến (vii) là các tổ chức hành chính giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Tổ chức quy định tại (vii) là tổ chức sự nghiệp công lập.

(2) Cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương:

- Cục Thi hành án dân sự ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh) trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự;

- Chi cục Thi hành án dân sự ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện) trực thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở riêng theo quy định của pháp luật.

(Điều 1 và Điều 3 Quyết định 61/2014/QĐ-TTg, sửa đổi tại Quyết định 19/2023/QĐ-TTg)

Một số nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự

Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xây dựng để Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền;

- Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính sau khi được phê duyệt, ban hành.

Thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Tuyên truyền, giáo dục, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm bản án, quyết định dân sự, hành chính của Tòa án và các quy định khác theo quy định của pháp luật.

- Ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, văn bản cá biệt, văn bản quy phạm nội bộ theo quy định của pháp luật.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính.

- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.

Xem chi tiết các nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự tại Điều 2 Quyết định 61/2014/QĐ-TTg)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 839

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]