Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Tại Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi vận động, xúi giục người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp theo định kiến giới.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;
+ Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới;
+ Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập;
+ Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.
- Các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP ;
+ Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 125/2021/NĐ-CP.
* Lưu ý: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân
- Trường hợp hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân;
- Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
(Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 125/2021/NĐ-CP)
Tại Điều 3 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới như sau:
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới là một năm.
- Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày đã thực hiện xong hành vi vi phạm đó.
- Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới đang được thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Tô Quốc Trình