04 vùng đô thị ở Việt Nam: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/05/2024 20:50 PM

Việt Nam định hướng có 04 vùng đô thị gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Vậy cụ thể các vùng đô thị này gồm những tỉnh thành nào? - Minh Long (TPHCM)

04 vùng đô thị ở Việt Nam

04 vùng đô thị ở Việt Nam (Hình từ internet)

04 vùng đô thị ở Việt Nam: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ

Theo Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Quốc hội ban hành, có định hướng phân bố các vùng đô thị lớn như sau:

(1) Vùng đô thị Hà Nội: xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Hà Nội và các đô thị lân cận của các tỉnh xung quanh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.

Phát triển thành phố Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế. Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị; xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Quản lý, khai thác không gian ngầm gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị.

Xây dựng các thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội, các đô thị vệ tinh có hạ tầng đồng bộ, tiện ích và dịch vụ đô thị, giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm, giảm tải khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển của thành phố Hà Nội;

(2) Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh: xây dựng hệ thống đô thị gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm chia sẻ chức năng về dịch vụ, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng các trục từ Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt kết nối sân bay, cảng biển cửa ngõ quốc tế, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Nam. Hình thành các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo các đường vành đai 3, vành đai 4. Phát triển thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế. Chú trọng khai thác không gian ngầm gắn với khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị. Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh;

(3) Vùng đô thị Đà Nẵng: xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Đà Nẵng và các đô thị lân cận trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng, động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên;

(4) Vùng đô thị Cần Thơ: xây dựng hệ thống đô thị với đô thị trung tâm là thành phố Cần Thơ và các đô thị lân cận trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ, văn hoá, thể thao của cả vùng. Khai thác trục giao thông kết nối Cần Thơ - Mỹ Thuận - Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh để tập trung phát triển đô thị, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác trong vùng. Phát triển thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,835

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]