Hơn 300 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/05/2024 13:45 PM

Hơn 300 người ở Đồng Nai nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, vậy hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào? - Mỹ Hoa (Đồng Nai)

Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào

Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

Thời gian vừa qua, đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau. Gần đây nhất vào ngày 30/4/2024 đã có vụ ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai được cho là từ việc ăn bánh mì gây nên nhiều hoang mang cho dư luận về số lượng người bị ngộ độc thực phẩm lên tới hơn 300 người.

Đây là một dấu hiệu đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như lời nhắc nhở giúp nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề này. Qua vụ việc trên, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cũng được quan tâm.

1. An toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là gì?

Theo Luật An toàn thực phẩm 2010 có đưa ra khái niệm an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm như sau:

- An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

- Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.

2. Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào?

Đối với trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì sẽ dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý vi phạm khác nhau. Đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, phải bồi thường và khắc phục hậu quả nếu gây ra thiệt hại.

Căn cứ theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau:

(1) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

(2) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(3) Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản (1) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

*Hình thức xử phạt hành chính đối với vi phạm về an toàn thực phẩm 

Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

*Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015(sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được chia làm 4 khung hình phạt sau đây:

Khung 1: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Làm chết người;

- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
 - Làm chết 02 người;

- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội có thể chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Nguyễn Hữu Hiệp

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,098

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]