Học sinh phải làm bao nhiêu bài kiểm tra trong một học kỳ? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT) quy định các loại kiểm tra, đánh giá như sau:
* Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:
- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập;
- Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định tại mục 2.
* Kiểm tra, đánh giá định kì:
- Kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
+ Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
+ Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện.
Theo đó, hệ số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì như sau:
- Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên: tính hệ số 1;
- Điểm kiểm tra, đánh giá giữa kì: tính hệ số 2;
- Điểm kiểm tra, đánh giá cuối kì: tính hệ số 3.
Số điểm kiểm tra, đánh giá và cách cho điểm được quy định tại Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT) như sau:
- Trong mỗi học kì, số điểm đánh giá thường xuyên, điểm đánh giá giữa kì và điểm đánh giá cuối kì của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) như sau:
* Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:
- Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 điểm đánh giá thường xuyên;
- Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học: 3 điểm đánh giá thường xuyên;
- Môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 điểm đánh giá thường xuyên.
* Kiểm tra, đánh giá định kì:
Trong mỗi học kì, một môn học có 01 điểm đánh giá giữa kì và 01 điểm đánh giá cuối kì;
Lưu ý: Điểm các bài kiểm tra, đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.
- Những học sinh không đủ số điểm kiểm tra, đánh giá theo quy định nêu trên nếu có lí do chính đáng thì được kiểm tra, đánh giá bù bài kiểm tra, đánh giá còn thiếu, với hình thức, mức độ kiến thức, kĩ năng và thời gian tương đương. Việc kiểm tra, đánh giá bù được hoàn thành trong từng học kì hoặc cuối năm học.
- Trường hợp học sinh không có đủ số điểm kiểm tra, đánh giá theo quy định mà không có lí do chính đáng hoặc có lí do chính đáng nhưng không tham gia kiểm tra, đánh giá bù sẽ nhận điểm 0 (không) của bài kiểm tra, đánh giá còn thiếu.
Như vậy, theo quy định nêu trên, số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn, tuy nhiên phải đảm bảo số cột điểm theo quy định sau:
- Đối với môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học thì phải có 2 điểm đánh giá thường xuyên
- Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học thì phải có 3 điểm đánh giá thường xuyên
- Và Môn học có từ trên 70 tiết/năm học thì phải có 4 điểm đánh giá thường xuyên
Còn đối với bài kiểm tra, đánh giá định kì thì mỗi học kì, một môn học có 01 điểm đánh giá giữa kì và 01 điểm đánh giá cuối kì;