Ngân hàng Phát triển Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/05/2024 17:15 PM

Cho tôi hỏi theo quy định pháp luật hiện nay thì ngân hàng Phát triển Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ thế nào? - Thành Luân (TPHCM)

Ngân hàng Phát triển Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ thế nào?

Ngân hàng Phát triển Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam là gì?

Theo Điều 3 Quyết định 1515/QĐ-TTg năm 2015 quy định thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ thế nào?

Tại Điều 10 Quyết định 1515/QĐ-TTG năm 2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:

- Hoạt động huy động vốn:

+ Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật;

+ Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật;

+ Vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;

+ Vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

+ Nhận tiền gửi ủy thác của các tổ chức trong nước và nước ngoài;

+ Huy động các nguồn vốn khác phù hợp quy định của pháp luật.

- Hoạt động tín dụng:

+ Cho vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước; cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;

+ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

+ Cho vay vốn ngắn hạn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc ngân sách nhà nước không cấp bù chênh lệch lãi suất.

- Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác:

+ Nhận ủy thác huy động vốn, ủy thác cho vay theo quy định của pháp luật;

+ Nhận ủy thác điều hành hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và quỹ tài chính địa phương theo mục tiêu phát triển của địa phương;

+ Ủy thác cho các tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật;

+ Ủy thác, nhận ủy thác cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

- Tham gia thị trường liên ngân hàng; 

- Tổ chức thanh toán nội bộ; 

- Cung cấp các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngoại hối và các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng; 

- Thực hiện hoạt động ngoại hối; 

- Tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Các nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Theo Điều 33 Quyết định 1515/QĐ-TTg năm 2015 quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:

* Vốn chủ sở hữu:

- Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá;

- Các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển;

- Kết quả hoạt động chưa phân phối;

- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước cấp;

- Vốn khác thuộc sở hữu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

* Vốn huy động:

- Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật;

- Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá bằng nội tệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật;

- Vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;

- Vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Nhận tiền gửi ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước.

* Các khoản vốn khác gồm:

- Vốn ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ sau đầu tư;

- Vốn do ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; vốn cấp để lập quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh;

- Vốn vay nước ngoài của Chính phủ được Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại;

- Vốn nhận ủy thác của chính quyền địa phương, các tổ chức trong nước và nước ngoài (sau đây gọi là bên ủy thác) để cho vay các dự án đầu tư phát triển thông qua hợp đồng ủy thác giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam với bên ủy thác;

- Vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức trong nước và nước ngoài;

- Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,764

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]