07 nguyên tắc xử lý người phạm tội theo Bộ luật Hình sự mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/05/2024 09:45 AM

Xin cho tôi biết có bao nhiêu nguyên tắc xử lý người phạm tội theo Bộ luật Hình sự mới nhất? – Khánh Ly (Tây Ninh)

07 nguyên tắc xử lý người phạm tội theo Bộ luật Hình sự mới nhất

07 nguyên tắc xử lý người phạm tội theo Bộ luật Hình sự mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

07 nguyên tắc xử lý người phạm tội theo Bộ luật Hình sự mới nhất

Việc xử lý người phạm tội sẽ được tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:

(1) Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;

(2) Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;

(3) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

(4) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;

(5) Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;

(6) Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;

(7) Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người phạm các tội trong Bộ luật Hình sự mới nhất

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người phạm các tội trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được quy định như sau:

(1) Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

(2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các tội như sau:

- Tội giết người (Điều 123);

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134);

- Tội hiếp dâm (Điều 141);

- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142);

- Tội cưỡng dâm (Điều 143);

- Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144);

- Tội mua bán người (Điều 150);

- Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151);

- Tội cướp tài sản (Điều 168);

- Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169);

- Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170);

- Tội cướp giật tài sản (Điều 171);

- Tội trộm cắp tài sản (Điều 173);

- Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178);

- Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248);

- Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249);

- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250);

- Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251);

- Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252);

- Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265);

- Tội đua xe trái phép (Điều 266);

- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286);

- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287);

- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289);

- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290);

- Tội khủng bố (Điều 299);

- Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303);

- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304).

(Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,009

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]