Hướng dẫn xác định chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
17/05/2024 13:15 PM

Tôi muốn biết để xác định chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng thì cần phải dựa vào căn cứ nào? – Trung Kiên (Trà Vinh)

Hướng dẫn xác định chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng

Hướng dẫn xác định chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Khi nào phải xác định chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng?

Cụ thể, chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

(Khoản 1 Điều 7 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020)

Hướng dẫn xác định chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng

Căn cứ nguồn vốn sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng, việc xác định chủ đầu tư được quy định như sau:

(1) Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc xác định chủ đầu tư được thực hiện theo căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư.

Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.

Ngoài ra việc xác định chủ đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công còn sẽ dựa vào pháp luật về đầu tư công;

(2) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng;

(3) Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

(4) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại (1), (2), (3) (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn khác) mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư.

Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan;

(5) Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại (1), (2), (3) và (4), chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để đầu tư xây dựng.

(Khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020)

Một số trách nhiệm của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng

Các trách nhiệm của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng bao gồm:

- Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có), thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn xây dựng khác.

- Bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng phù hợp với tiến độ thi công xây dựng công trình và quy định của hợp đồng xây dựng.

- Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 107 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020).

Thực hiện việc thông báo khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; mẫu thông báo khởi công được quy định tại Phụ lục V Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

Trường hợp công trình thuộc đối tượng thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì thông báo khởi công phải được gửi đồng thời tới cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp.

- Thực hiện giám sát thi công xây dựng theo nội dung quy định tại Điều 19 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

- Thiết lập hệ thống quản lý thi công xây dựng và thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý thi công xây dựng của chủ đầu tư hoặc nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu có liên quan.

Bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng; kiểm tra việc huy động và bố trí nhân lực của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình so với yêu cầu của hợp đồng xây dựng (nếu có).

Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Xem thêm các trách nhiệm khác tại Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,263

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]