Trình tự, thủ tục tước quốc tịch Việt Nam mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về căn cứ tước quốc tịch như sau:
(i) Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(ii) Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại (1).
Trình tự, thủ tục tước quốc tịch Việt Nam được hướng dẫn tại Điều 32 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, cụ thể được quy định như sau:
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh, nếu có đầy đủ căn cứ thì lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.
Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.
- Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan thẩm tra hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Theo đó, Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho trở lại quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
(Khoản 1 Điều 38 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008)
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét và đề xuất ý kiến về các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, xin thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam và hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008; hằng năm, thống kê các việc đã giải quyết về quốc tịch Việt Nam để báo cáo với Bộ Tư pháp.
- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xem xét và đề xuất ý kiến về các trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, xin thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam; hằng năm, thống kê các việc đã giải quyết về quốc tịch Việt Nam để báo cáo với Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.
(Khoản 4, 5 Điều 40 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008)
Điều 36 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định: Khi cha mẹ hoặc một trong hai người bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì quốc tịch của con chưa thành niên không thay đổi.
Trần Thị Nam Phương