Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo Điều 187 Bộ luật hình sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/05/2024 16:32 PM

Xin cho tôi hỏi người tổ chức mang thai hộ với mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự như thế nào theo quy định hiện hành? - Kim Ngân (Bình Thuận)

Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo Điều 187 Bộ luật hình sự

Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo Điều 187 Bộ luật hình sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mang thai hộ là gì?

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mang thai hộ sẽ bao gồm: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Trong đó:

- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

- Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

(Khoản 22 và Khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

2. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo Điều 187 Bộ luật hình sự

Căn cứ vào Điều 187 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:

- Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Được biết, việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính là một hành vi cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

3. Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con do mang thai hộ vì mục đích thương mại

Theo đó nếu đứa bé được sinh ra do mang thai hộ vì mục đích thương mại có áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản  thì cha, mẹ của đứa bé này sẽ được xác theo khoản 1 và Khoản 2 điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

(i) Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 như sau:

- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

 - Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

- Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

(ii) Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

Lưu ý: Việc sinh con do mang thai hộ vì mục đích thương mại không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra. (Khoản 3 Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Trần Thị Nam Phương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,583

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]