Các trường hợp doanh nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu 2023 (Hình từ Internet)
Theo khoản 7 Điều 3 Luật Đấu thầu 2023 thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp sau đây:
- Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2023; gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Đấu thầu 2023;
- Việc thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất;
- Lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023; lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu;
- Việc xác định hòa giải viên, thành viên trong ban phân xử tranh chấp, hội đồng trọng tài để xử lý tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng do các bên tự quyết định theo quy định của hợp đồng;
- Mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá bán do Nhà nước định giá cụ thể theo quy định của pháp luật về giá;
- Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí phù hợp với hợp đồng dầu khí được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Dầu khí 2022.
Quy định về xử lý và lưu trữ hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo Điều 9 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
- Hồ sơ đề xuất về tài chính của nhà thầu không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu theo thời hạn sau đây:
+ Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn;
+ Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ: được thực hiện khi hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà thầu không được lựa chọn hoặc khi đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà đầu tư không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà đầu tư khi hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà đầu tư không được lựa chọn hoặc khi đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
- Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Đấu thầu 2023 mà nhà thầu, nhà đầu tư không nhận lại hồ sơ đề xuất về tài chính của mình thì bên mời thầu xem xét, quyết định việc hủy hồ sơ nhưng phải bảo đảm thông tin không bị tiết lộ.
- Trường hợp hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu trữ trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định hủy thầu được ban hành.
- Hồ sơ quyết toán, hồ sơ hoàn công và tài liệu liên quan đến nhà thầu trúng thầu của gói thầu được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
- Toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được lưu trữ trong thời hạn tối thiểu là 05 năm kể từ ngày quyết toán hợp đồng hoặc ngày chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, trừ hồ sơ quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 9 Luật Đấu thầu 2023.