Những lưu ý khi xây dựng thang bảng lương năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
31/05/2024 10:45 AM

Thang bảng lương là một trong những yếu tố quan trọng trong quản trị nguồn nhân lực, đảm bảo sự minh bạch, công bằng và tạo động lực làm việc cho người lao động. Dưới đây là những lưu ý khi xây dựng thang bảng lương năm 2024.

Những lưu ý khi xây dựng thang bảng lương năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về xây dựng thang bảng lương

Theo Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau:

- Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

- Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

- Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

2. Lưu ý mức lương tối thiểu khi xây dựng thang bảng lương

Khi xây dựng thang lương, bảng lương cần lưu ý mức lương thấp nhất theo công việc hoặc chức danh trả cho người lao động trong thang lương, bảng lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định.

Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 thì mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

3. Hướng dẫn cách xây dựng thang bảng lương 2024

Khi xây dựng thang lương, bảng lương 2024 (sau đây gọi gọn là thang bảng lương 2024), doanh nghiệp cần lưu ý các nội dung sau đây:

- Thứ nhất, bậc 1 (bậc thấp nhất) của thang bảng lương 2024 phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

- Thứ hai, từ ngày 01/7/2022, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định mức lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Do đó, phát sinh 02 trường hợp sau đây:

+ Trường hợp các doanh nghiệp thành lập mới từ ngày 01/7/2022 trở đi khi xây dựng thang bảng lương 2024 thì không cần cộng thêm tối thiểu 7% đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.

+ Trường hợp các doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/7/2022, nếu trước đó trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận khác có nội dung “người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì lương cao hơn mức tối thiểu vùng ít nhất 7%” thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện (trừ các bên có thỏa thuận khác).

- Thứ ba, từ ngày 01/01/2021, theo Bộ luật Lao động 2019 thì không còn bắt buộc khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề nhau tối thiểu là 5%. Do đó, doanh nghiệp được quyền tự quyết định khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp mình.

- Thứ tư, tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp mà quý doanh nghiệp có thể xây dựng nhiều hoặc ít bậc lương hơn; nhóm chức danh, vị trí công việc khác nhau để đảm bảo tiền lương tương xứng với hiệu quả làm việc, thâm niên… của người lao động.

4. Mẫu thang bảng lương mới nhất 2024 

Người sử dụng lao động có trách nhiệm phải xây dựng thang bảng lương cùng với định mức lao động để làm cơ sở tuyển dụng và trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 không quy định về mẫu thang bảng lương. Do đó, người lao động có thể tham khảo mẫu thang lương bảng lương sau đây:

Mẫu thang bảng lương

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,138

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]