Những trường hợp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/08/2024 20:00 PM

Bài viết sau có nội dung về những trường hợp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong Nghị định 157/2007/NĐ-CP.

Những trường hợp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước

Những trường hợp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước (Hình từ Internet)

1. Những trường hợp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 157/2007/NĐ-CP thì những trường hợp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước bao gồm:

- Vi phạm nội dung chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu quy định tại Điều 7 Nghị định 157/2007/NĐ-CP.

- Khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, người đứng đầu không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm đó và không kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả.

- Không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện.

- Cấp dưới đã báo cáo, xin chỉ thị những vấn đề thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhưng không kịp thời giải quyết theo quy định.

- Đưa ra ý kiến chỉ đạo trái pháp luật, chung chung, không rõ ràng, không nhất quán, gây lãng phí ngân sách, tài sản của Nhà nước; tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản trái pháp luật; không thực hiện đúng thời hạn nhiệm vụ được giao.

- Cấp phó, người đại diện hoặc người được ủy quyền làm trái chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà pháp luật đã giao cho người đứng đầu.

- Để cấp phó và cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý tham nhũng, lãng phí.

- Để tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.

- Xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của cấp dưới hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của cấp dưới.

2. Nội dung chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước

Nội dung chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định 157/2007/NĐ-CP bao gồm:

- Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý.

- Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

- Ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp pháp của văn bản (bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt, công văn chỉ đạo, điều hành và nội quy, quy chế, điều lệ, quy định áp dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý).

- Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đúng pháp luật.

- Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, cử dự thi nâng ngạch, quyết định nâng ngạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ chế độ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công được giao; phòng, chống cháy nổ và bảo đảm an toàn lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khi sử dụng các nguồn tài chính, các tài sản, trang thiết bị phải thực hiện đúng chế độ, chính sách và đúng quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát.

- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn hóa công sở; không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

- Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; về phát ngôn, khai thác, quản lý và sử dụng mạng Internet trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Các chế độ trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,196

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]